Mấy ngày gần đây, chất lượng không khí giảm mức nguy hại, có thời gian, chỉ số không khí cao, người dân nên hạn chế ra ngoài.
Thông tin kể trên khiến người dân Thủ đô không khỏi hoang mang, nhất là khi đem chỉ số chất lượng không khí nội đô đi so với các quốc gia trên Thế giới và cùng khu vực.
Cụ thể, tại các trạm quan trắc trên địa bàn cho thấy chỉ số chất lượng không khí tại nhiều thời điểm đều trên mức 150, nhiều lúc, chỉ số này vượt trên 300, vô cùng nguy hại.
Xét riêng về mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội, hạt bụi có kích thước PM2.5, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Với hàng loạt các chỉ số trên, người dân nhận định, ô nhiễm không khí chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, tuy nhiên, tác động như thế nào không phải ai cũng rõ.
Chia sẻ về vấn đề này, BS.CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, với chỉ số hạt bụi PM2.5, những hạt bụi này rất nhỏ có thể đi thẳng vào phế nang phổi hoặc đi thẳng vào máu, gây độc cho cơ thể. Loại bụi này có thể vượt qua “hàng rào” khẩu trang để có thể đi vào cơ thể.
Ngoài ra, theo bác sĩ, bụi trong không khí có nhiều loại bao gồm cả bụi vô cơ và bụi hữu cơ. Ở Hà Nội, nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với nhiều tạp chất khác như nito, lưu huỳnh, kim loại… rất độc hại.
Những hạt bụi này chữa nhiều hợp chất hoá học có thể gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở… Về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng rối loạn đường thở.
Riêng với bệnh nhân có nền bệnh sẵn như bệnh hô hấp, bệnh mãn tính ở phổi, bệnh tim mạch…, tình trạng có thể nặng nề hơn , biến chứng nguy hiểm hơn với chất lượng không khí hiện tại.
Đó là lí do vì sao khi chỉ số chất lượng không khí cao, trên khoảng 300, những người nhạy cảm, có nền bệnh sẵn kể trên được khuyến cáo không nên ra ngoài.
Theo BS. CKII Nguyễn Ngọc Hồng, trong những thời điểm ô nhiễm, người dân nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt.
“Dù bụi PM2.5 khẩu trang thông thường không thể phòng tránh được, nhưng khẩu trang sẽ hạn chế phần nào bụi khói khi bạn lưu thông. Những người bệnh mạn tính, bệnh tim mạch, hô hấp hoặc người có sẵn bệnh nền nếu thấy bất cứ triệu chứng ho, khó thở tăng lên, cần đi khám ngay”, BS. Nguyễn Ngọc Hồng nhấn mạnh