Khi người lớn hôn trẻ có thể lây nhiễm cho trẻ một số loại virus thông qua niêm mạc mũi, hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ gây nên viêm não, ảnh hưởng tới bộ não...
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo, việc hôn trẻ con có thể lây bệnh truyền nhiễm cho trẻ.
Một số loại virus có thể lây cho trẻ khi người lớn hôn trẻ:
- Virus RSV: RSV là tác nhân chính gây viêm phổi và viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em với tần suất cao nhất ở trẻ từ 2 - 5 tháng. Khoảng 40% trẻ bị nhiễm trong lần tiếp xúc đầu tiên.
- Virus Herpes: Bệnh viêm màng não do virus Herpes gây ra thông qua niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng của trẻ. Dần dần virus này di chuyển lên não, gây viêm não, ảnh hưởng tới não bộ và có thể gây tử vong.
- Vi khuẩn HP: Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP nếu lâu dài và không kịp phát hiện, điều trị có thể gây ra viêm loét dạ dày, hoặc nguy hiểm hơn là ung thư khó điều trị. Trẻ nhỏ do hệ thống miễn dịch chưa thực sự hoàn chỉnh nên nguy cơ lây nhiễm cao.
- Virus EBV: EBV là virus có thể truyền sang người khác qua hôn. Virus này sẽ ở lại trong cơ thể người suốt đời. Sau khi nhiễm virus trẻ có các triệu chứng như sốt, đau họng, mệt và yếu.
- Viêm gan virus: Con đường lây lan viêm gan A chủ yếu qua đường phân, miệng và tiếp xúc gần gũi trong cuộc sống hàng ngày.
Mới đây, nhiều bà mẹ chia sẻ thông tin "hôn trẻ lây virus RSV nguy hiểm" khiến nhiều người lo lắng. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, virus hợp bào hô hấp (RSV) là chủng virus đường hô hấp khá thường gặp, không phải loại virus mới.
Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Căn bệnh này hiếm gặp ở người lớn, nên khả năng lây lan từ người lớn sang trẻ là rất khó xảy ra.
Nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi.
Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng tập trung vào các thời điểm giao mùa. RSV là loại virus không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc bệnh trẻ không cần dùng kháng sinh, chỉ điều trị triệu chứng như rửa mũi, long đờm, vỗ rung… Bệnh sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng như nhiễm thêm vi khuẩn, suy hô hấp.
Trẻ nhiễm virus RSV có các triệu chứng gần giống với cảm sốt thông thường. Đây cũng là lý do nhiều bố mẹ chủ quan, tự điều trị cho con tại nhà, thấy không có dấu hiệu thuyên giảm với chuyển con vào bệnh viện, lúc đó bệnh đã diễn tiến nhanh hơn.
PGS Dũng khuyến cáo thêm, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, các mẹ nên có những biện pháp từ chối khéo bằng cách đưa tay của trẻ cho mọi người hôn thay vì hôn miệng, hôn má và dặn dò người thân, bạn bè nên rửa tay sạch trước khi bế, ẵm trẻ.
Một số trường hợp bị bệnh truyền nhiễm, bệnh viêm gan, bệnh về hô hấp, kiết lị, bệnh lao phổi hay răng miệng cũng tuyệt đối không cho tiếp xúc với trẻ sơ sinh đặc biệt là khoảng từ 1-2 tháng chào đời vì đây là khoảng thời gian cơ thể trẻ rất nhạy cảm, sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh.
Trong trường hợp sau khi được người lớn hôn, trẻ có các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, bú kém, quấy khóc, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra ngay.
Để phòng ngừa các loại virus đối với trẻ, bố mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi; Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ; Không hôn hít trẻ. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, nơi cộng cộng trong thời điểm giao mùa. Giữ cho môi trường sống của trẻ trong lành, tránh khói bếp, khói thuốc lá.