Những thói quen sinh hoạt hàng ngày tưởng vô hại nhưng gây ra bệnh đau dạ dày

Loét dạ dày – tá tràng là bệnh phổ biến trong các bệnh đường tiêu hóa. Bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, làm giảm chất lượng sống của người bệnh và gây ra những biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày…

Loét dạ dày - tá tràng là bệnh phổ biến trong các bệnh đường tiêu hóa

Ăn uống sinh hoạt không khoa học

Theo Ths.Bs. Nguyễn Quốc Vinh (Khoa Ngoại Chung CK Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec): Có khoảng 60 - 70% dân số Việt Nam có nguy cơ bị viêm loét dạ dày và nguyên nhân chính đã được xác định là do vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) và các thói quen ăn uống sinh hoạt không khoa học.

Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn gram âm, có hình xoắn, là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý ở dạ dày. Một số thói quen xấu mà nhiều người mắc phải dưới đây cũng là nguyên nhân khiến cho dạ dày bị tổn thương.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là đối với dạ dày. Thói quen vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, thường xuyên ăn đêm, ăn quá no hoặc quá đói sẽ làm cho dạ dày làm việc quá sức, gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu.

Ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng. Ăn nhiều chất béo, ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ sẽ làm dạ dày bị tổn thương.

Ngoài ra, một chế độ ăn uống không hợp lý còn làm cho dạ dày tiết ra dịch acid nhiều hơn làm ăn mòn niêm mạc dạ dày, lâu dần dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa khác.

 Bia, rượu, thuốc lá... là một trong những nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày - tá tràng

Uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá

Các chất kích thích cũng là ‘thủ phạm’ hủy hoại dạ dày và hệ tiêu hóa. Đồ uống có cồn như rượu, bia… tác động ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, rượu, bia còn kích thích tiết ra nhiều acid dịch vị, có thể tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm loét dạ dày - tá tràng.

Trong thuốc lá có rất nhiều chất độc hại, trong đó có chất nicotin gây kích thích cơ thể tiết ra nhiều cortisol - tác nhân làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày - tá tràng.

Stress (những sang chấn tâm lý)

Viêm loét dạ dày thường gặp ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng. Bệnh cũng thường gặp ở những người sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, ở người làm việc trí óc nhiều hơn ở người làm việc tay chân.

Những người thường xuyên bị căng thẳng thần kinh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày cao hơn. Khi bị căng thẳng sẽ làm tăng các yếu tố tấn công niêm mạc dạ dày, làm giảm hệ miễn dịch của cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng mạn tính.

 Thường xuyên dùng thuốc chống viêm, thuốc giảm đau sẽ hủy hoại dạ dày của bạn

Lạm dụng thuốc 

Dùng kéo dài một số loại thuốc như aspirin, thuốc chống viêm không steroid, diclofenac… làm kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày.

Khi các niêm mạc này bị ảnh hưởng sẽ không làm tốt chức năng bảo vệ thành dạ dày và sẽ dẫn tới hiện tượng dạ dày co bóp bất thường, gây đau.

Dùng chung dụng cụ ăn uống sinh hoạt

Vi khuẩn Hp là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh viêm loét dạ dày. Vi khuẩn Hp có khả năng lây truyền từ người này sang người kia do dùng chung dụng cụ ăn uống sinh hoạt.

Do vậy, để bảo vệ dạ dày không bị tổn thương, việc tiêu hóa thức ăn không bị trục trặc, bạn cần loại bỏ ngay những thói quen xấu kể trên.

Ngoài ra, đối với những người bị bệnh viêm loét dạ dày, ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống ‘nương nhẹ’ dạ dày cũng góp phần tích cực vào quá trình điều trị bệnh.

Theo bác sỹ Vinh, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, việc áp dụng một chế độ ăn uống cho người bệnh là cực kỳ quan trọng.

Nguyên tắc chung được áp dụng cho căn bệnh này là ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, không có tính kích thích. Bệnh nhân cần chọn những loại thực phẩm như: cháo, cơm nát, đậu phụ, bí xanh, khoai tây, thịt nạc, cá, bánh quy, bánh mì… Tránh những loại thực phẩm có nhiều chất xơ, cứng như măng khô, rau già…

 Ths.Bs. Nguyễn Quốc Vinh - Khoa Ngoại Chung CK Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec 

Phương pháp chế biến chủ yếu là thái nhỏ thực phẩm để luộc, hấp, ninh nhừ. Như vậy vừa giúp phục hồi các tổ chức tế bào bị tổn hại và làm mau lành vết loét, vừa tránh được sự kích thích cơ học, hóa học của thức ăn đối với niêm mạc dạ dày và ruột.

Tránh dùng các loại kích thích niêm mạc dạ dày như rượu, bia, chè đặc, cà phê, chuối tiêu, gừng, giềng, ớt, tiêu…

Nên ăn vừa đủ, không ăn quá no vì no quá sẽ khiến việc nhào trộn thức ăn với dịch vị sẽ khó khăn hơn. Không nên để dạ dày quá rỗng, vì đói quá sẽ khiến dạ dày phải co bóp nhiều hơn.

Với những người bị viêm dạ dày mạn tính và những người từng phẫu thuật dạ dày, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do sự tiêu hóa hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, dẫn tới thiếu máu.

Chế độ ăn cần phải cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung các loại vitamin và muối khoáng như B12, A, D, K, calci, sắt, kẽm… để tăng sức đề kháng, phục hồi sức khỏe.

Linh Ly/giadinhmoi.vn