CEO của Unitree Vương Hưng Hưng trở thành tâm điểm khi được xếp ngồi hàng ghế đầu trong hội nghị chuyên đề kinh doanh quan trọng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hôm 17/2.
Sinh năm 1990, Vương là người trẻ nhất trong nhóm các doanh nhân ưu tú có mặt tại hội nghị, bao gồm nhà sáng lập Huawei Technologies Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, nhà sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng cùng nhiều lãnh đạo công ty công nghệ khác.

CEO Unitree Vương Hưng Hưng. (Ảnh: Unitree)
Sự xuất hiện của Vương một lần nữa thu hút sự chú ý sau khi những robot hình người của Unitree gây ấn tượng với màn biểu diễn múa dân gian trong chương trình Gala Tết Nguyên đán được phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào tháng trước.
“Robot vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, vượt xa kỳ vọng của tôi. Mỗi ngày đều mang đến những bất ngờ mới”, Vương chia sẻ với CCTV sau hội nghị với ông Tập.
Giám đốc marketing của Unitree, Hoàng Gia Vỹ, cho biết Vương tham gia sâu vào nghiên cứu và phát triển, đích thân phỏng vấn ứng viên và giám sát gần như mọi khía cạnh hoạt động của công ty.
Thiên tài không nổi bật
Vương Hưng Hưng sinh ra tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Anh đam mê với robot từ nhỏ và sớm bộc lộ năng khiếu sáng tạo thực hành.
Vương dành thời gian rảnh để chế tạo mô hình máy bay và thực hiện các thí nghiệm nhỏ. Khi vào cấp hai, anh đã lắp ráp động cơ phản lực mini, theo truyền thông Trung Quốc.
Tuy nhiên, tài năng này không được hệ thống giáo dục chú trọng thi cử của Trung Quốc khi đó đánh giá cao. Dù giỏi khoa học, Vương lại gặp khó khăn với môn tiếng Anh. Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, Vương từng chia sẻ rằng tiếng Anh là trở ngại lớn trong suốt những năm đi học của anh.
Một giáo viên cấp hai của Vương cho biết cậu học trò ngày đó không nổi bật giữa bạn bè cùng lớp. “Cậu ấy chỉ là một cậu bé bình thường, trầm tính, ngoan ngoãn, giống như hầu hết đứa trẻ khác”, giáo viên này nhận xét.
Năm 2009, Vương theo học ngành kỹ thuật cơ điện tử tại Đại học Khoa học và Công nghệ Chiết Giang ở Hàng Châu. Khi còn là sinh viên năm nhất, anh đã chế tạo một robot hai chân có thể đi vài bước, với kinh phí chỉ 200 nhân dân tệ (khoảng 700.000 đồng).
Phong cách tiết kiệm chi phí này, được rèn luyện qua nhiều năm làm dự án tự chế với số tiền tiêu vặt ít ỏi, sau này trở thành chìa khóa thành công của Unitree.
Năm 2011, Vương nhận bằng sáng chế đầu tiên cho một “thiết bị phản hồi lực đa điểm cho ngón tay”. Luận văn tốt nghiệp của anh tập trung vào phát triển bộ điều khiển động cơ DC không chổi than, theo bài đăng trên WeChat chính thức của trường đại học.
Trên nền tảng mạng xã hội RedNote của Trung Quốc, Vương từng chia sẻ danh sách hơn 100 cuốn sách anh mượn từ thư viện đại học, chủ yếu về vật lý, toán học, khoa học máy tính và điện tử. Trong đó, cuốn AI Techniques for Game Programming (Kỹ thuật AI trong lập trình trò chơi) đặc biệt gây ấn tượng với anh.
“Đó cuốn sách đầu tiên tôi đọc nói về hệ thống về AI. Hồi đó, mạng nơ-ron vẫn là một chủ đề ít người quan tâm và cuốn sách này nằm trong góc khuất của thư viện”, Vương chia sẻ trong một bài tự sự.

Robot hình người của Unitree biểu diễn trong chương trình Gala Tết Nguyên đán của CCTV. (Ảnh: CCTV)
Đột phá robot hình người
Năm 2013, Vương theo học thạc sĩ tại Đại học Thượng Hải. Một lần nữa, điểm tiếng Anh kém khiến anh không thể vào được các trường đại học hàng đầu, nhưng điều đó không ngăn cản đam mê sáng tạo của anh.
Năm 2015, anh chi khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng) để phát triển nguyên mẫu robot bốn chân XDog. Không đi theo thiết kế sử dụng thủy lực của startup Mỹ Boston Dynamics, Vương chọn hướng tiếp cận sử dụng động cơ điện. Ý tưởng này giúp anh giành được 80.000 nhân dân tệ (khoảng 281 triệu đồng) tiền thưởng từ một cuộc thi trong nước.
Sau khi tốt nghiệp năm 2016, Vương làm việc ngắn hạn tại hãng sản xuất drone DJI ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, sự chú ý mà XDog nhận được trong nước và quốc tế, cùng khoản đầu tư 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ đồng) từ một nhà đầu tư, đã thúc đẩy Vương thành lập Unitree vào tháng 8/2016.
Unitree là công ty đầu tiên trên thế giới bán robot bốn chân và robot hình người hiệu suất cao cho công chúng. Các sản phẩm của công ty từng xuất hiện trong nhiều sự kiện lớn, bao gồm Á vận hội Hàng Châu 2023.
Tháng 8 năm ngoái, Vương trở lại Đại học Thượng Hải để phát biểu tại lễ khai giảng cho tân sinh viên. Anh chia sẻ trước các sinh viên: “Hãy tìm thứ bạn yêu thích, làm việc chăm chỉ, không ngừng học hỏi và cải thiện bản thân. Từ nhỏ, tôi đã muốn dùng công nghệ để tạo ra thứ gì đó có giá trị, nhằm khẳng định bản thân, để thay đổi thế giới. Đó luôn là động lực lớn nhất của tôi”.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Chân dung CEO 9X đứng sau dàn robot hình người gây sốt Trung Quốc tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
