Bộ trưởng Bộ Y tế từng nhấn mạnh, Y tế cơ sở như “người gác cổng” trong ngành y. Vậy sau một thời gian đầu tư, đưa vào hoạt động, mô hình này đã làm được những gì?
Những ca bệnh đặc biệt - những sự hồi sinh đặc biệt
Bệnh nhân Ngô Văn Tỏ (86 tuổi, Văn Yên - Yên Bái) bị sốc do xuất huyết tiêu hoá do chảy máu ố loét hành tá tràng, viêm phổi nặng, da xanh, niêm mạc nhợt. Với tình trạng hiện tại, dù có chuyển lên tuyến Trung Ương, bệnh nhân cũng khó lòng qua khỏi.
Khi vào Bệnh viện Đa khoa Yến Bái, bác sĩ thăm khám và chỉ định đưa lên kẹp clip cầm máu, đồng thời phải truyền 14 đơn vị máu và 16 đơn vị huyết tương tươi…
Phương pháp kẹp clip cầm máu là phương pháp mới được đưa vào áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái vài năm nay. Trước đó, với những bệnh nhân như ông Tỏ, bệnh viện khó có khả năng xử lý vì với vết loét quá lớn, bác sĩ không thể tiêm cầm máu, còn chuyển bệnh nhân đi, phần lớn đều rơi vào nguy kịch.
Một trường hợp khác, ngay tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, bà Trần Thị Sách (63 tuổi, huyện Trấn Yên, Yên Bái) bị sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng, viêm phổi nặng, vi khuẩn tìm thấy là E.coli.
Theo hồ sơ bệnh án, trước khi nhập viện, bệnh nhân đi ngoài 2 ngày, sốt cao, rét run nên đến bệnh viện thăm khám. Theo bác sĩ, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch, diễn biến bệnh nhanh. Ngay khi tìm được nguyên nhân, bệnh nhân lập tức được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, hiện đã lọc được 4 lần, mỗi lần từ 12 đến 18 tiếng. Sau 13 ngày, tình trạng bệnh nhân đỡ, huyết áp ổn, hiện vẫn được bác sĩ điều trị theo dõi.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Văn Chúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, trước đây, nếu không có kỹ thuật mới được áp dụng, máy móc không được đầu tư, nhân lực không được đào tạo thường xuyên và không được sự hỗ trợ của các bác sĩ bệnh viện tuyến trên, những ca bệnh kể trên khó lòng giữ được tính mạng.
Ngay như bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá, nếu không được kẹp clip sẽ rất khó hỗ trợ cứu sống bệnh nhân. Vì với những bệnh nhân này, nếu không hồi sức tại chỗ, dù chuyển gấp lên tuyến trên cũng khó bảo toàn mạng sống. Còn với cụ bà Sách bị sốc nhiễm khuẩn, nếu không có máy lọc máu liên tục, chắc chắn bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng.
Một trường hợp khác, bé gái 4 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp. Điều đáng nói, bệnh tình của bé Mai vô cùng phức tạp, chi phí điều trị lớn song lại sinh ra trong một gia đình khó khăn tại Thanh Uyên (Tam Nông - tỉnh Phú Thọ) khiến quá trình điều trị càng khó khăn hơn.
Theo BS CKI Triệu Quốc Thường – Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, phẫu thuật tim Ebstein như bé gái 4 tuổi là các ca khó, thuộc vào số ca phẫu thuật rất hiếm gặp cả trên thế giới và ở Việt Nam.
Nếu như trước đây, rất khó cho một bệnh viện tuyến tỉnh có thể xứ lý được ca bệnh này.
Tuy nhiên, gần đây, nhờ quá trình nâng cao tay nghề, kiến thức với hỗ trợ lớn với Bệnh viện Tim Hà Nội, Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã làm độc lập được rất nhiều kỹ thuật khó và hiếm gặp giúp cho người dân tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận không còn phải về tuyến Trung ương mà vẫn được thụ hưởng các kỹ thuật cao ngay.
Không kể, cũng ngay ở Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, tháng 2/2018, Bệnh viện này triển khai ứng dụng “hệ thống trí tuệ nhân tạo” trong điều trị ung thư. Đây là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam, là bệnh viện thứ 80 trên toàn thế giới ứng dụng hệ thống này.
Khi đưa hệ thống vào sử dụng, không chỉ giúp các bác sĩ lựa chọn được phác đồ điều trị mới nhất, tiên tiến nhất, phù hợp nhất cho từng bệnh nhân ung thư, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm điều trị.
Với ứng dụng này, bệnh nhân được làm xét nghiệm sau đó bác sĩ nhập các thông số của bệnh nhân, máy móc, phần mềm sẽ tự tổng hợp, đưa dự án điều trị, đưa nhiều phác đồ và ưu tiên phác đồ có tỉ lệ khỏi bệnh cao nhất.
Trong thời gian qua, hơn 20 trường hợp điều trị bằng ứng dụng trí tuệ cao tại Bệnh viện đều cho kết quả tốt.
Hoàn thiện “người gác cổng ngành y” với mục đích vì sức khoẻ nhân dân
Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) của Việt Nam bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, với mục tiêu bao trùm sức khoẻ y tế toàn dân, Bộ Y tế hướng tới đầu tư y tế cơ sở, xây dựng mô hình các trạm y tế trọng điểm - nơi gần dân nhất. Y tế cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cái cách đột phá, mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp.
Với y tế cơ sở, được chú ý nhất chính là trạm y tế xã/phường. Nhận thức được các khó khăn tồn đọng, Bộ Y tế tìm nhiều giải pháp khắc phục, đẩy mạnh hoạt động khám sức khoẻ ban đầu theo nguyên lý học gia đình tại đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế từng nhìn nhận, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã nên thường vượt tuyến không cần thiết, việc thanh toán bảo hiểm y tế tại trạm y tế còn thấp, danh mục thuốc nghèo nàn.
Hiện Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố để triển khai mô hình đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân thay đổi về quan điểm chăm sóc sức khỏe ban đầu, quan tâm đầu tư đến y tế cơ sở nhiều hơn.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái - một trong 26 mô hình trạm y tế trọng điểm cho biết, hiện trạm có 8 bác sĩ đa khoa đảm bảo đủ năng lực khám chữa bệnh. Hiện nay, trạm trực tiếp tiến hành quản lý một số người mắc bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, huyết áp để người dân không phải đi xa.
Ngành y cũng đã, đang đầu tư mạnh mẽ nguồn nhân lực, có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ.
Ngay như với Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, đây là Bệnh viện đầu tiên được tỉnh Yên Bái kí hợp tác toàn diện với Bệnh viện Bạch Mai, được tham gia đề án Bệnh viện vệ tinh với sự phối hợp cùng Bệnh viện Phụ sản TƯ, Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K hỗ trợ ngày đêm.
“Có những ca bệnh khó, ngày 29 Tết các bác sĩ tuyến cuối vẫn lên hỗ trợ chúng tôi” - bà Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Yên Bái cho biết.
Còn như Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện này cũng được sự hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện hạt nhân trong đề án Bệnh viện vệ tinh, các Bệnh viện tuyến Trung ương, trình độ chuyên môn nhân viên bệnh viện không ngừng nâng cao.
Ngay như trường hợp phẫu thuật tim bẩm sinh của bé Mai 4 tuổi, bác sĩ tại đây thẳng thắn chia sẻ, thành công có được nhờ giao lưu, hỗ trợ của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Ngoài nhân lực, vật lực, y tế cơ sở tự động thay đổi với chiều hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo hài lòng của người dân.
Bệnh viện triển khai cho bệnh nhân cam kết thực hiện quy tắc ứng xử, học các kỹ năng tư vấn, kỹ năng xử lý tình huống. Song cũng cái cách tối đa thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, giảm phiền hà, rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi cho người bệnh.