Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đạo hiếu trước sau cũng vẫn là một truyền thống lâu dài, nhưng cách thể hiện mỗi thời mỗi khác, đòi hỏi như cũ là rất khó. Bởi, xã hội phát triển theo hướng hiện đại, con người tiếp cận với nhiều điều mới mẻ, với quá nhiều quyền lựa chọn khác nhau nên quan niệm về đạo hiếu cũng có sự thay đổi và đang tiếp tục biến đổi.
Lấy ví dụ rõ hơn về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, hiện nay, cuộc tranh luận xoay quanh việc đưa cha mẹ khi tuổi đã cao và hoàn cảnh gia đình có những khó khăn vào trong viện dưỡng lão để chăm sóc là có hiếu hay bất hiếu, vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Nếu chúng ta quan sát ở các nước châu Âu thì việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão chăm sóc là phương thức thích hợp nhất. Vì trong viện dưỡng lão có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp cho người cao tuổi, nhân viên có chuyên môn sẽ giúp người cao tuổi được chăm sóc kỹ càng hơn, chuyên nghiệp hơn.
Thêm nữa, khi gửi cha mẹ vào một cơ sở chăm sóc uy tín thì những thành viên còn lại trong gia đình sẽ có điều kiện làm việc hơn trong bối cảnh kinh tế như hiện nay.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão thì những người con cần có cách quan tâm, thể hiện thái độ, tình cảm phù hợp để cha mẹ có thể hài lòng, vừa yên tâm hưởng thụ những dịch vụ tốt nhưng đồng thời vẫn không thiếu đi những tình cảm ở trong gia đình.
“Với thời đại 4.0 như hiện nay, chúng ta có thêm nhiều phương tiện thông tin, nhiều cách để có thể gọi điện online hàng ngày trò chuyện với cha mẹ, nhưng vấn đề ở đây là thái độ ứng xử. Người con cần có thái độ ứng xử đúng mực để giữ trọn đạo hiếu. Đây là điều chính cuộc sống đang dạy chúng ta. Và nếu chúng ta có những cách thể hiện mẫu mực, cùng chia sẻ cho nhau thì đạo hiếu sẽ càng được củng cố, phù hợp với điều kiện đời sống hiện đại” – ông Trung Quốc nói.
Hạt nhân của đạo hiếu vẫn là tình cảm và sự trân trọng của mỗi con người với các bậc sinh thành. Ngoài ra, trong đạo hiếu còn có mối quan hệ anh em trong nhà. Anh em hòa thuận, yêu thương nhau cũng là một cách thể hiện đạo hiếu.
“Với nhiều bậc cha mẹ, thấy bầy con sum vầy, đoàn kết thì đó là báo hiếu hay nhất, lớn nhất đối với họ” - nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm.
Mới đây, Chương trình biểu diễn nghệ thuật Người Con Đạo Hiếu nằm trong sự kiện lễ công bố chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” do Tập đoàn Truyền thông Halotimes tổ chức đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp về truyền thống hiếu đạo của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Với những ca khúc bất hủ được thể hiện bởi những nghệ sĩ hàng đầu, đêm nhạc Người Con Đạo Hiếu là một hành trình của âm nhạc và cảm xúc, nơi chia sẻ niềm tự hào và tri ân đến những người mẹ Việt Nam.
Từ những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng đến những khúc ca hào hùng, bi tráng gần như thể hiện trọn vẹn tình yêu thương vô bờ bến và sự hi sinh to lớn mà những người mẹ dành cho các con, và hơn cả là dành cho gia đình, cho quê hương và cho tổ quốc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, chương trình Người Con Đạo Hiếu đã giúp nhắc lại những giá trị truyền thống nhưng đồng thời cũng gợi mở ra việc chúng ta ứng xử với những giá trị truyền thống như thế nào. Bởi đạo hiếu là cốt lõi của mối quan hệ xã hội chuyển động.
Đạo hiếu không chỉ là một chuẩn mực đã định hình trong quá khứ, khái niệm ấy vẫn đang tiếp tục biến đổi. Hiểu chữ hiếu như nào cho đúng, cho phù hợp. Điều đó được thể hiện qua ngôn ngữ khác nhau, có thể là những cuộc hội thảo, những cuộc điều tra xã hội học, những cuộc nghiên cứu… và văn nghệ có sức lan tỏa đến quần chúng rất tốt. Chương trình Người Con Đạo Hiếu đã làm được điều đó.