Sáng 6/7, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến Y tế cơ sở”.Theo đại diện Bộ Y tế và BHXH đều thừa nhận vai trò quan trọng không thể thiếu của mạng lưới y tế cơ sở (cụ thể là các trạm y tế xã/ phường trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân)
Theo các chuyên gia y tế nhận định, đầu tư cho y tế cơ sở là thông minh nhất, đúng đắn nhất đối với bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Bởi khi tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT tại tuyến y tế cơ sở sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT khi có nhu cầu được nhanh nhất.
Tuy nhiên, thực tế hiện này là nhu cầu sử dụng, khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến cơ sở ban đầu tại nước ta chưa cao trong khi đó tỉ lệ bao phủ BHYT (người dân tham gia BHYT ngày càng cao) dẫn đến nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng mạnh. Đơn cử, từ năm 2015 (thực hiện thông tuyến), tỷ trọng số lượt người đến khám BHYT ở TYT có xu hướng giảm còn 26%, đến năm 2016 xuống còn 21,9, năm 2017 xuống còn 19,9% và 6 tháng đầu năm 2018 tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã chỉ còn chiếm 18,5% trong tổng số lượt KCB BHYT của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng thừa nhận, nhiều nơi người dân chưa tin tưởng y tế cơ sở, hệ thống cơ sở đang bị bỏ ngỏ rất nhiều. Phần lớn đều do 3 nguyên nhân: chuyên môn nhân viên, danh mục thuốc, danh mục y tế ít và chưa đảm bảo.
“Qua nhiều lần khảo sát, tôi từng gặp trường hợp, người bệnh chia sẻ bất cập khi khám tại Trạm y tế xã (TYT). Họ cho rằng, đơn giản nhất là thuốc, khi khám ở tuyến huyện, tuyến tỉnh được nhiều thuốc hơn, thuốc tốt hơn ở Trạm Y tế xã…”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện KCB BHYT tại TYT xã còn một số khó khăn, thách thức từ chính những quy định của chính sách BHYT. Trước hết phải kể đến, Quỹ KCB BHYT giao cho TYT thấp (không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú – quy định tại Thông tư 41/2014/TT-BYT-BTC). Dẫn đến không đủ để chi cho KCB BHYT dẫn đến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm.
Quy định này làm hạn chế phạm vi và phát triển chuyên môn kỹ thuật của trạm y tế xã. Cụ thể, với quy định này, chi bình quân lượt KCB BHYT tại tuyến xã thấp, năm 2017 chỉ có 75,797 đồng/lượt khám.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, việc hợp đồng với cơ quan BHXH để tổ chức KCB BHYT tại TYT xã được giao cho bệnh viện huyện (ở nơi đã tách bệnh viện huyện). Việc hợp đồng thông qua BV huyện để tổ chức KCB tại TYT dẫn đến khó khăn trong quản lý, cung ứng và thanh toán chi phí KCB BHYT. Bệnh viện không quản lý nhân lực TYT do đó khó khăn trong điều chuyển nhân lực, chỉ đạo thực hiện KCB BHYT để phù hợp với yêu cầu của mô hình bệnh tật và nhu cầu KCB của người dân.
Chưa kể, hiện nay chưa có quy định đầy đủ, rõ ràng về chi trả chi phí đối với trường hợp chuyển giao kỹ thuật, nhiều trường hợp phát sinh dịch vụ nhưng chưa có cơ chế để thanh toán. Cũng như việc chưa có quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm, người bệnh lên tuyến trên hoặc đến cơ sở khác để thực hiện một số kỹ thuật trong chẩn đoán bệnh (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh) dẫn đến phải chuyển tuyến người bệnh gây quá tải tuyến trên, gia tăng chi phí KCB từ quỹ BHYT.
Trước tình hình đó, cả Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đều khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi các chỉ số liên quan đến sử dụng dịch vụ y tế để kịp thời có giải pháp giải quyết những vướng mắc phát sinh, thực hiện việc tạm ứng, thanh quyết toán kịp thời để đảm bảo điều kiện hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết ‘Nhiều máy đắt tiền ở trạm y tế đang "đắp chiếu" do cán bộ không biết cách sử dụng’ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].