Với thói quen ngậm tăm sau khi ăn, một bệnh nhân phải cấp cứu vì đau bụng dữ dội, nôn ói.
Ông Nguyễn Văn Th (Cửa lò, Nghệ An) đến Bệnh viện Quốc tế Vinh trong tình trạng đau bụng dữ 2 ngày kèm theo buồn nôn, mệt mỏi.
Qua lời chia sẻ, bệnh nhân cho biết, cách 3 ngày, sau khi xỉa răng, ông ngậm tăm rồi ngủ quên nhưng không nghĩ là lúc ngủ đã nuốt phải tăm mà không hề biết. Đến hôm nay thấy đau bụng và nôn dữ dội mới đi khám.
Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân có một dị vật trong dạ dày. Các bác sĩ đã thực hiện thủ thuật lấy dị vật ra một cách khéo léo, an toàn cho người bệnh. Điều đáng nó, vật lại là một cái tăm nhọn dài 7cm, gần bị oxi hóa.
Bác sĩ Phùng Thị Hằng – Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Quốc tế Vinh người trực tiếp điều trị ca này cho biết: “Sau khi tiến hành nội soi xác định có dị vật nằm ở mặt sau hành tá tràng, một đầu nhọn cắm vào thành ruột gây chảy máu. Những trường hợp nuốt phải dị vật dài, sắc nhọn rất nguy hiểm vì có thể làm thủng đường tiêu hóa: ở thực quản gây áp xe trung thất, ở dạ dày và ruột gây viêm phúc mạc”. Bởi việc nội soi lấy dị vật thường rất khó, cần độ khéo léo cao của ê-kíp bác sĩ, vì khi “thất bại” phương pháp này đành phải chấp nhận phẫu thuật hở.
Bác sĩ khuyến cáo, trường hợp nuốt phải dị vật hay gặp trong cấp cứu. Thông thường, dị vật sẽ được tiêu hóa ra ngoài mà không hề gây ra các biến chứng. Nhưng đối với các dị vật sắc nhọn như xương (cá, gà…) hay tăm xỉa răng đều có nguy cơ cao gây thủng đường tiêu hóa, có trường hợp đâm vào bộ phận nội tạng gây ổ dịch nhiễm trùng và thậm chí tử vong nếu chẩn đoán sai lệch hay phát hiện, xử trí muộn.
Từ khi hoạt động đến nay, Bệnh viện Quốc tế Vinh đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa, đường thở như: nuốt phải đinh, bã thức ăn, răng giả, các vật dụng nhỏ bằng kim loại, bằng nhựa, pin… nhưng nuốt phải tăm nhọn đây là trường hợp hy hữu đầu tiên.