Thông thường người lao động đóng Bảo hiểm xã hội khi bị COVID-19 sẽ được hưởng chế độ ốm đau của Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên có 1 trường hợp F0 dù đóng Bảo hiểm xã hội nhưng không được hưởng chế độ.
Đó là trường hợp người mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng, sức khỏe vẫn đảm bảo để làm việc online và vẫn được nhận đủ lương tháng từ công ty, doanh nghiệp.
Cụ thể:
Theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động đang tham gia BHXH được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đồng thời 03 điều kiện sau:
1 - Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động mà phải nghỉ việc.
2 - Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
3 - Không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, tiền chất ma túy.
Trong trường hợp người lao động bị nhiễm COVID-19, sức khỏe bị suy giảm, người lao động cần phải nghỉ ngơi để điều trị. Lúc này, những người lao động có tham gia BHXH sẽ được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo điều kiện thứ nhất.
Còn nếu F0 vẫn đủ sức khỏe để làm việc online và nhận đủ lương từ phía doanh nghiệp thì sẽ không được quỹ BHXH thanh toán tiền ốm đau.
Việc không giải quyết BHXH cho người lao động là F0 có đủ sức khỏe để làm việc online là hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của BHXH.Bởi khoản 1 Điều 3 Luật BHXH đã nêu rõ, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,...
Theo quy định đã đề cập ở trên, người lao động là F0 phải nghỉ làm khi điều trị Covid-19 thì mới được thanh toán tiền BHXH.
Đồng nghĩa đó, trong thời gian nghỉ ốm đau do bị F0, người lao động sẽ không được hưởng tiền lương từ phía doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để hỗ trợ người lao động bị F0 có thêm thu nhập để mua thuốc và bồi bổ, nhiều doanh nghiệp vẫn trả đủ tiền lương theo thỏa thuận.
Đây được xem là một khoản phúc lợi hợp pháp mà pháp luật luôn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện để người lao động có thêm nhiều quyền lợi.