Không liên hệ được với Trạm Y tế để khai báo nên không có giấy Chứng nhận
Phản ánh tới PV Gia Đình Mới, chị Nguyễn T.A (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhà chị chồng đi làm xa, cả 3 mẹ con đều mắc COVID-19. Ngày 22/2, ngay khi test phát hiện mình mắc COVID-19, chị đã tìm được số điện thoại của Trạm Y tế phường và gọi để khai báo. Tuy nhiên, cả 2 số điện thoại đều không có người nhấc máy để hướng dẫn chị thực hiện các thủ tục như khai báo y tế, cấp quyết định cách ly tại nhà cũng như hướng dẫn việc kê đơn thuốc.
Nghĩ mình là F0 đến không được ra ngoài vì có khả năng lây nhiễm cho người khác, chị đợi đến ngày 7/3 khi test âm tính rồi sang tận nơi báo với Trạm Y tế phường xin Giấy chứng nhận nghỉ việc do COVID-19 để có thể hưởng Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định. Nhưng khi chị T.A ra tới Trạm Y tế thì trạm y tế đóng cổng. Đợi hồi lâu mới gặp được nhân viên y tế của Trạm nhưng vị này lại yêu cầu chị phải có Quyết định cách ly và Giấy hoàn thành cách ly thì mới làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc cho chị.
Khi chị thông tin về việc liên hệ nhiều lần với Trạm để khai báo y tế nhưng không có ai bắt máy điện thoại, nhân viên y tế cho biết chị phải liên hệ khai báo với Tổ trưởng Tổ dân phố. "Nói thật là mình cứ nghĩ gọi tới Trạm y tế là đúng tuyến nhất rồi, nhưng không thể nào liên lạc được. Giờ Trạm y tế không chấp nhận cấp giấy Chứng nhận thì tôi bị mất quyền lợi".
Cũng gặp trường hợp tương tự, anh Trần Quốc D (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, sau khi tự test nhanh phát hiện dương tính COVID-19, anh không biết số điện thoại của Trạm Y tế phường nên đã ra tận nơi để khai báo y tế và xin cấp giấy xác nhận F0. Nhưng khi ra tới trạm, đợi cả tiếng thì anh được 1 nhân viên của trạm hướng dẫn đường link khai báo rồi bảo anh đi về, không có thêm bất kỳ hướng dẫn nào.
"Mình cũng chưa biết khi khỏi bệnh có được cấp giấy Chứng nhận để làm thủ tục Bảo hiểm xã hội không nữa. Vì như mình biết để có được Giấy chứng nhận thì phải có quyết định cách ly, quyết định hoàn thành cách ly. Nhưng mình hiện chưa được hướng dẫn cụ thể của việc này. Có rất nhiều người dân cũng hoang mang như mình. Mình thấy Trạm Y tế cũng rất nhiều việc nhưng cũng nên phân công cụ thể người phụ trách từng mảng để hướng dẫn người dân" - anh D cho biết.
Giấy chứng nhận của xã không đúng quy định để hưởng BHXH
Một khó khăn khác của F0 điều trị tại nhà là việc Giấy chứng nhận không đúng quy định. Chị Mai Liên (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) là F0 điều trị tại nhà, có liên hệ được với xã để khai báo. Khi test âm tính, chị được Trạm y tế xã cấp cho giấy Xác nhận hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà. Chị mang nộp lên công ty để công ty nộp cho Bảo hiểm xã hội nhưng được Bảo hiểm trả lại với lý do Giấy này không đúng với quy định tại Thông tư 56 của Bộ Y tế.
Cụ thể, theo quy định thì việc cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do Trung tâm y tế cấp huyện thực hiện, trong khi các Trạm y tế cấp xã chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc giấy hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà. Người lao động không thể sử dụng giấy xác nhận của Trạm y tế cấp xã để tiến hành các thủ tục hưởng Bảo hiểm xã hội.
"Người dân giờ không biết phải xin giấy ở đâu, thủ tục như thế nào để được hưởng quyền lợi Bảo hiểm xã hội. Tôi thấy các thủ tục rất rắc rối, phiền hà mà chính ở xã các anh chị ở Trạm Y tế cũng chưa biết phải hướng dẫn người dân như thế nào. Tôi mong cơ quan chức năng "gỡ rối" ngay việc này để người dân sớm được hưởng chế độ Bảo hiểm".
'Lệch' ngày cấp cũng không được hưởng
Được cấp giấy Chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nhưng chị Thu Thủy (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) khi nộp cho BHXH vẫn bị BHXH trả lại do lệch ngày.
Theo quy định, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cấp cho người điều trị ngoại trú, nhưng nhiều người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải đến cơ sở khám, chữa bệnh, kết quả dương tính xác nhận thông qua test nhanh hoặc phương pháp PCR. Do không trực tiếp đến cơ sở y tế, các trường hợp F0 không được cấp giấy ngay tại thời điểm nghỉ ốm, mà thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới đến Trạm Y tế xã, phường để xin giấy chứng nhận.
“Điều này dẫn đến ngày cấp ghi trên giấy bị lệch (cấp lùi lại) so với thời điểm người lao động bắt đầu nghỉ việc để điều trị, không đúng với quy định tại Thông tư 56 là giấy đó phải cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm. Đây là vướng mắc cần xem xét điều chỉnh.
Tại Hà Nội, Sở Y tế đã có Công văn 415 ban hành ngày 22/1/2022, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với người lao động là F0 điều trị tại nhà. Người lao động có thể căn cứ văn bản này để yêu cầu các trạm cấp giấy.
Thủ tục để nhận Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH như sau:
- Khi phát hiện dương tính, người mắc COVID-19 liên hệ với Trạm Y tế/Tổ dân phố để được hướng dẫn khai báo và nhận Quyết định cách ly tại nhà. (Thời gian cách ly 7 ngày và có kết quả âm tính).
- Sau khi hết thời gian cách ly, F0 test lại báo cho nhân viên y tế kết quả đã âm tính hay chưa.
- Khi có kết quả âm tính, F0 liên hệ với nhân viên y tế, gửi Thẻ BHYT để được làm thủ tục nhận Giấy chứng nhận hưởng BHXH. Bên nhân viên y tế sẽ có lịch hẹn để F0 khỏi bệnh ra trạm lấy Giấy.
V.LinhBạn đang xem bài viết F0 điều trị tại nhà chật vật khi xin Giấy chứng nhận để hưởng Bảo hiểm xã hội tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].