Khi gan bệnh, chức năng chuyển hóa, thải độc, cũng như tham gia vào quá trình tiêu hóa của gan sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, một số loại thức ăn có thể sẽ thành thuốc độc với người bệnh gan khi ăn.
Gan là một trong các bộ phận quan trọng nhất của cơ thể với chức năng chính là cơ quan giúp đào thải các chất độc hại, bảo vệ cơ thể khỏi các nhân tố nguy hiểm, chuyển hóa và dự trữ dinh dưỡng từ thực phẩm.
Báo cáo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới cho biết, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người được xác định mắc bệnh viêm gan B mạn tính, 13.000 người mắc xơ gan, khoảng 6.000 người mắc bệnh ung thư gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh lý về gan gây ra.
Ở giai đoạn đầu, hầu hết người bị bệnh gan không có biểu hiện gì rõ rệt. Khi phát hiện thì bệnh thường đã chuyển sang giai đoạn nặng, có thể biến chuyển thành xơ gan, ung thư gan rất khó điều trị, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.
Có chức năng thải độc, chuyển hóa nên khi gan bị bệnh, nó không thể chuyển hóa một cách có hiệu quả dinh dưỡng trong thức ăn, điều này dẫn tới việc nó tiếp tục bị phá hủy nếu ăn uống không cẩn thận. Vậy những thực phẩm nào sẽ thành thuốc độc với người bệnh gan?
Theo Livestrong, một số loại thực phẩm dưới đây người bệnh gan cần phải tránh:
Lá gan bị tổn thương sẽ không có khả năng trao đổi protein hợp lý, không thể phá vỡ được các amino axit có trong thịt động vật. Lúc này, việc ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, cần phải hết sức tránh.
Ngoài ra, người bệnh gan cũng cần loại bỏ hoặc hạn chế số lượng trứng và thực phẩm từ sữa như sữa, pho mát, sữa chua.
Bạn có thể thay thế những thức ăn này bằng thức ăn giàu protein khác từ thịt gia cầm, hoặc từ đậu, hạt. Với sữa, bạn có thể uống sưa đậu nành thay sữa động vật.
Muối có chứa natri- một trong những chất gan bị bệnh không thể xử lý được hết, khiến cơ thể bị giữ nước và sưng bụng. Vì thế, những thực phẩm đóng hộp nhiều muối, đường như như súp, thịt hoặc rau cần phải tránh.
Nên thay thế bằng một chế độ ăn ít natri để giữ gan không bị tổn thương cũng như tránh bị viêm sưng trong cơ thể. Dùng tỏi, tiêu và đồ cay để làm tăng hương vị món ăn, thay vì dùng muối.
Nếu lượng đường quá cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của gan, khiến cho sự tích tụ chất béo trong gan tăng lên và gây ra sự xuất hiện của triệu chứng gan nhiễm mỡ . Do đó, những thức ăn ngọt như đường, kem, bánh ngọt hoặc thức ăn nhiều muối như khoai tây chiên… thường chứa nhiều carbohydrate với đường và natri, nên tránh.
Thay vào đó hãy ăn những thực phẩm có đường tự nhiên và chất xơ như dâu tây, cam, táo.
Rượu là loại thức uống có cồn và được hấp thụ trực tiếp vào máu chứ không cần phải thông qua quá trình tiêu hóa như các loại thức ăn khác. Cồn có thể làm cho hệ thống chất xúc tác thông thường của tế bào gan bị phá hỏng, trực tiếp ảnh hưởng đến tế bào gan, làm cho tế bào gan bị tổn thương.
Vì vậy, những người mắc bệnh gan không được uống rượu, bia và thức uống có cồn.
Theo các nghiên cứu khoa học, lượng đồng tích trữ trong gan của người bị bệnh gan cao gấp 5-10 lần so với người thường, hàm lượng đồng trong gan của người mắc bệnh xơ gan do dịch mật cao gấp 60-80 lần so với người bình thường. Lượng đồng cao sẽ gây phá hủy các tế bào gan.
Chính vì vậy, người bị bệnh gan nên ít ăn những thực phẩm chứa đồng nhiều như sứa biển, tôm, ốc, mực….