Mỗi đất nước, vùng miền khác nhau lại có những tiêu chuẩn thẩm mỹ và cách làm đẹp khác nhau. Tuy nhiên, cách làm đẹp tại nhiều nơi trên thế giới thực sự khiến chúng ta phải kinh ngạc.
Tại bộ tộc Yanomami (Nam Mỹ), cuộc sống hàng ngày của người dân hầu như không khác mấy so với thời nguyên thủy.
Để làm đẹp, trên cơ thể của họ được trang trí bằng những hình vẽ kỳ dị màu đen đỏ và cài thêm những chiếc lông trên đầu.
Trong những dịp lễ quan trọng, người Yanomami sẽ dùng những chiếc đũa tre hay que tre xiên qua mũi, cằm hoặc má để tăng thêm sự thu hút và hấp dẫn.
Bộ tộc Daasanach tại Ethiopia sở hữu gu thẩm mỹ và thời trang độc đáo bằng việc biến nắp chai, đồng hồ cũ, cặp tóc, đồ nhựa, kim loại hỏng... thành đồ trang sức.
Trang phục của họ làm ra từ việc tái chế những vật liệu như nắp chai, đồng hồ đeo tay, cặp tóc hay các loại đồ nhựa, kim loại không dùng nữa.
Bộ tộc cũng có những quy định nhất định về thời trang. Đàn ông chỉ được đeo tóc giả làm từ nắp chai cho đến khi họ kết hôn, sau đó thay bằng mũ nhỏ có trang trí hoa văn nhiều màu sắc và có chiếc lông gắn ở cằm.
Những cô gái trẻ và trẻ em có bộ tóc giả cơ bản nhất, trong khi người lớn tuổi nhất thường đội trên đầu bộ tóc cầu kỳ và nặng nề nhất.
Ở bộ tộc Apatani, Ấn Độ, những bé gái lên 8 tuổi, chúng phải thực hiện một nghi thức trang trọng: khoét mũi.
Họ tổ chức một nghi lễ với các món ăn truyền thống. Thầy phù thủy xuất hiện trong nghi lễ và tiến hành cúng tế thần linh, sau đó giao đứa trẻ cho người mẹ để tự tay khoét mũi con mình.
Sau khi khoét, họ nhét miếng tre vào chiếc lỗ trên mũi. Theo thời gian, chúng sẽ được thay thế bằng miếng tre to hơn.
Đến khi miếng tre trên mũi to bằng ngón tay cái thì sẽ được thay thế bằng miếng gỗ mây để tồn tại cho đến cuối đời.
Nhưng thiếu nữ Apatani không chỉ bị khoét mũi, họ còn phải tiếp tục trải qua thời khắc đau đớn khác là xăm mặt với 4-5 đường xăm dài từ trán xuống tận cằm.
Trong khi bạn dùng những loại dược liệu hay dầu gội để chăm sóc cho mái tóc, thì người Afar và Hamer ở Ethiopia đã trộn bơ sữa trâu lỏng với đất màu đỏ để bết lên đầu, tạo ra những mẫu tóc khá bắt mắt.
Đối với họ, đây là một loại cao thuốc quý giá.
Kiểu tóc 'asdago' – trắng ánh kim rất nổi bật được tạo ra bằng cách sử dụng bơ phủ lên nhằm bảo vệ cho mái tóc không bị ánh mặt trời thiêu đốt và giữ cho tóc vào nếp lâu một cách hoàn hảo.
Những người phụ nữ người Surma (Ethopia) có phong tục xẻ môi để lồng đĩa và tạo các vết sẹo theo họa tiết đặc biệt trên da. Phụ nữ và trẻ em thường trang điểm bằng đất sét trắng và hoa tươi.
Tục lệ này được thực hiện khi người phụ nữ tới tuổi kết hôn. Họ sẽ dùng đá làm gãy hai răng dưới, sau đó đục một lỗ trên môi dưới và đưa một nút gỗ nhỏ vào.
Nút gỗ này được thay dần bằng nút to hơn, tới khi lỗ đủ rộng để lồng một đĩa gốm hoặc gỗ vào.
Tại Việt Nam, phong tục nhuộm răng đen đã không còn xa lạ đối với mỗi người.
Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác.
Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Mường, Thái, Si La... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thời gian, cách nhuộm và chất liệu sử dụng.
Bắt nguồn từ thói quen ăn trầu từ xa xưa, vì ăn trầu răng sẽ đen nên người ta nghĩ ra việc nhuộm răng đen cho hợp thẩm mỹ, để trở thành một màu đen tuyền đẹp bóng, chứ không phải màu đen ố như của màu trầu.
Biểu tượng sắc đẹp của thời ấy chính là da trắng, răng đen.
Kéo dài dái tai được bộ lạc Dayak ở Indonesia coi là biểu tượng của vẻ đẹp.
Đôi tai được xỏ lỗ lúc còn trẻ đeo thêm những bông tai bằng đồng để dái tai ngày càng kéo dài ra.