Giáo sư- Tiến sĩ Lê Thị Quý: Giáo sư 'Nữ quyền' nặng lòng với giáo dục trẻ em

Giáo sư- Tiến sĩ Lê Thị Quý: 'Từng đó năm làm nghiên cứu tôi vẫn còn canh cánh một nỗi niềm trong lòng: tôi mắc nợ với trẻ em. Chứng kiến nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại, tôi cảm thấy rất đau lòng'.

Giáo dục gia đình là nền tảng giáo dục con người

Gặp Giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển trong căn phòng chật đầy những cuốn sách viết về gia đình, xã hội, phụ nữ và trẻ em; người phụ nữ 70 tuổi vẫn sang sảng giọng nói và không ngớt chuyện khi nói về giáo dục gia đình.

Ở tuổi 70, Giáo sư Qúy vẫn canh cánh một nỗi lòng chưa thể nguôi ngoai: mắc nợ với trẻ em.

Chứng kiến sự gia tăng của các vụ bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ trong xã hội, nhà trường và gia đình, Giáo sư Qúy vẫn khắc khoải một mong ước: Có một cơ chế thật sự hiệu quả để bảo vệ trẻ em.

Đó là một cơ chế đồng bộ từ pháp chế, chính sách, giáo dục - một cơ chế của những người làm thật, được giám sát thật.

Cả một đời làm nghiên cứu, đấu tranh cho nữ quyền, điều tra mại dâm, chống bạo lực gia đình...vị Giáo sư “tuổi Dần” mạnh mẽ, hào sảng này vẫn không tránh khỏi những phút giây yếu lòng khi nhắc lại những vụ án gây chấn động xã hội mà nạn nhân là đối tượng trẻ em.

Giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển - ảnh Giáo dục Việt Nam

Giáo sư Quý chia sẻ: “Trẻ em là đối tượng yếu thế nhất trong xã hội bởi các em không có năng lực về thể chất, nhận thức, vị trí trong xã hội… từ đó tạo ra đề kháng, bảo vệ bản thân.

Chứng kiến những vụ bạo hành, xâm hại ngày càng nhiều trong xã hội tôi không khỏi cảm thấy đau lòng khi những đứa trẻ không có được một cơ chế bảo vệ hiệu quả.

Ta hay đặt vấn đề: Vì sao các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đang có xu hướng ngày càng tăng không chỉ trong xã hội, gia đình mà ngay cả trường học?

Câu trả lời là người ta đang nhờn Luật; từ nhờn Luật mới không sợ Luật mà nhẫn tâm làm những việc trái đạo đức, băng hoại như thế.

Do vậy muốn bảo vệ được trẻ em thì phải có công cụ hiệu quả; công cụ đó là Luật pháp là các cơ chế chính sách được thực thi, được giám sát”.

Giáo sư Qúy so sánh trẻ em như tờ giấy trắng; người ta muốn bôi đen, vẽ hồng lên tờ giấy trắng như thế nào cũng được.

Nói như thế để thấy được tầm vai trò của giáo dục gia đình. Giáo dục gia đình chính là nền tảng hình thành nhân cách của một con người ngay từ khi còn nhỏ.

Giáo sư Lê Thị Quý phân tích: “Nhiều phụ huynh hiện nay có tâm lý phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội giáo dục. Đây là một việc làm vừa sai, vừa thiếu trách nhiệm.

Có rất nhiều minh chứng để thấy được rằng cách giáo dục của gia đình, môi trường sống xung quanh ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nhỏ.

Nhiều trường hợp trẻ sống trong môi trường gia đình bạo lực có thiên hướng phạm tội từ sớm. Ngược lại nếu cách giáo dục của gia đình tốt, trẻ sẽ có môi trường để phát triển theo con đường đúng đắn.

Vì thế tôi khuyên các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian quan tâm và giáo dục con cái từ những việc nhỏ cho đến những việc lớn”.

Giáo dục nhà trường phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Liên hệ với giáo dục trong nhà trường, Giáo sư Lê Thị Quý cho rằng: Phương pháp giáo dục trẻ nhỏ tốt nhất là phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

“Hiện nay, giáo dục trong nhà trường đang thiếu những cái cần thiết và thừa những cái không cần thiết.

Chẳng hạn chúng ta thiếu cách giáo dục Lịch sử một cách đúng đắn, biến môn Lịch sử trở thành một môn học thú vị nhưng lại nhồi nhét kiến thức không cần thiết quá nhiều, quá tải.

Trong giáo dục hiệu quả cần kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Yếu tố truyền thống ở đây là gì? Là những tư tưởng, văn hóa đậm đà của dân tộc Việt Nam và chỉ dân tộc Việt Nam mới có.

Chẳng hạn như truyền thống yêu thương, đoàn kết; dạy trẻ biết kính trên nhường dưới, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau…

Yếu tố hiện đại chúng ta có thể lồng ghép các môn học về giáo dục hành vi, xã hội học… vào trong nhà trường”.

Giáo sư Lê Thị Quý cũng nhấn mạnh: Giáo dục giới tính cần được đưa vào trường học như một môn học chính thức và cần được xem trọng.

“Hiện nay, trẻ cần được trang bị những kiến thức về giáo dục giới tính.

Sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến những hành động vừa sai pháp luật, vừa sai đạo đức.

Thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi trẻ em lớn lên trong những gia đình hạnh phúc

Chẳng hạn vụ việc cô bé 19 tuổi trong Thành phố Hồ Chí Minh cho xác con ruột mình vào trong ba lô để...phi tang.

Đứng dưới góc độ pháp luật và đạo đức hành vi của cô gái trên không thể chấp nhận được.

Nhưng đứng dưới góc độ giáo dục chúng ta cần đặt câu hỏi: Nếu cô bé kia được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính, kỹ năng sống…thì sẽ không có một kết cục thương tâm như vậy?

Việt Nam nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai nhiều nhất thế giới; thử hỏi có đau lòng hay không?

Trong khi mỗi lần nhắc đến giáo dục giới tính là chúng ta ngại, gọi đó là nhạy cảm.

Thế nhưng theo tôi đây là một môn học rất cần thiết được đưa vào trường học”.

Bàn về những vụ xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em xảy ra trong trường học, Giáo sư Quý cho rằng: người tốt và người xấu đều phải chịu trách nhiệm.

Bà Quý cho biết: “Nhiều vụ việc xảy ra chỉ đến khi báo chí và công an vào cuộc mới vỡ lở.

Lỗi của người xấu là rõ ràng nhưng cũng có phần trách nhiệm của những người tốt.

Người tốt ở đây là ai?

Là những công cụ giám sát, xử lý không hiệu quả dẫn đến tình trạng nhờn luật; là những người cố ý bao che cho hành vi của các thầy giáo, hiệu trưởng, phụ huynh.

Chỉ khi nào xã hội và pháp luật cùng nhìn nhận một cách đúng đắn về việc bảo vệ trẻ nhỏ thì khi đó các em mới cảm thấy an toàn”.

Trách nhiệm của truyền thông trong giáo dục trẻ em

Những năm tháng hoạt động trong lĩnh vực báo chí với tư cách là một phóng viên chiến trường, Giáo sư Lê Thị Quý cũng rất trăn trở về trách nhiệm của truyền thông trong việc định hướng văn hóa, tư tưởng của giới trẻ.

Giáo sư Lê Thị Quý nói: “Nhiều vụ việc truyền thông đào sâu quá nhiều về đời sống của nạn nhân khiến các em bị khủng hoảng tâm lý.

Trong khi đó nhiều kênh truyền thông vô tình tiếp tay, thổi phồng những hiện tượng mạng xã hội có ảnh hưởng xấu đến việc định hình nhân cách, tư tưởng của trẻ em.

Tôi rất ngạc nhiên: Vì sao một đất nước từng từng đánh bại nhiều đế quốc xâm lược lại để những nhân vật như giang hồ online, những cô gái làm giàu bằng thể xác…được tung hô như những thần tượng?

Cái sự “SAO” và hai từ “NGÔI SAO” được định nghĩa và gắn cho những người như vậy một cách dễ dãi, hời hợt.

Vô hình chung giới trẻ và đặc biệt là các em nhỏ bị cuốn vào một vòng xoáy nhan nhản những tin độc, tin lá cải, tin nhảm nhí”.

Từ những kiến giải trên, Giáo sư Lê Thị Quý trăn trở: “Truyền thông có vai trò và mối liên quan mật thiết đến giáo dục thể hệ trẻ và đặc biệt là trẻ em.

Truyền thông cần nêu bật những đặc sắc văn hóa Việt Nam, ca ngợi những tấm gương người tốt trong xã hội.

Nhiều người lo sợ trẻ em lớn lên trong một môi trường thông tin độc hại; tin lá cải, tin giật gân cùng sự giao lưu văn hóa từ các quốc gia khác sẽ khiến trẻ nhỏ dần quên đi các giá trị văn hóa truyền thống”.

Vũ Ninh/Giáo dục Việt Nam


Tin liên quan