4 đặc điểm của biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Biện pháp bảo đảm bình đẳng giới là cách thức mà các quốc gia tiến hành nhằm đạt được bình đẳng giới. Biện pháp này được xây dựng căn cứ vào thực tế vấn đề bình đẳng giới của mỗi quốc gia.

Theo TS.Bùi Thị Mừng, Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp bảo đảm bình đẳng giới nhằm tăng cơ hội cho nam hoặc nữ để thu hẹp khoảng cách giới, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có các đặc điểm sau:

- Thứ nhất, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp bảo đảm bình đẳng thực chất. Bởi vì, biện pháp này tiếp cận và giải quyết vấn đề giới theo mô hình bình đẳng thực chất. Áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì vấn đề giới mới được giải quyết một cách triệt để. Vì biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới yêu cầu phải xây dựng các quy phạm pháp luật và nhóm chính sách thể hiện tính “ưu đãi” khi cần thiết để thu hẹp khoảng cách giới. Do đó, nam và nữ mới được bình đẳng trên thực tế.

Nam và nữ phải được bình đẳng trên thực tế. Ảnh minh họa

Nam và nữ phải được bình đẳng trên thực tế. Ảnh minh họa

- Thứ hai, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp bảo đảm bình đẳng giới do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là tạo ra “sự phân biệt đối xử”, bởi vì, để thu hẹp khoảng cách giới thì phải xây dựng nhóm chính sách “ưu đãi” cho nam hoặc nữ. Vì thế, một trong những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới đã nêu rõ, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới “không bị coi là phân biệt đối xử về giới”. Như vậy, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành, các cơ quan, tổ chức không được tự ý quy định việc áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Ví dụ, hiện nay, Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định, áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, trên cơ sở này, các chính sách ưu đãi nhằm rút ngắn khoảng cách giới sẽ được cơ quan có thẩm quyền ban hành phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền không được phép tự ý xây dựng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

- Thứ ba, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp chỉ được áp dụng khi thỏa mãn điều kiện cần thiết được pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp này chỉ được áp dụng khi có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò và sự thụ hưởng mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch đó. Mục đích của việc áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là nhằm bảo đảm bình đẳng giới trên thực tế. Vì vậy, khi pháp luật ghi nhận quyền bình đẳng cho nam và nữ trên mọi phương diện nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trên thực tế, các quyền đó không được bảo đảm thực hiện đối với một nhóm, tạo ra sự chênh lệch lớn về khoảng cách đối với nhóm kia. Do đó, về nguyên tắc, để bảo đảm bình đẳng giới, nhóm chưa đạt được bình đẳng giới sẽ được tạo điều kiện, cơ hội để thực hiện các quyền của mình nhằm thu hẹp khoảng cách giới. Vì vậy, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chỉ được áp dụng khi thỏa mãn điều kiện cần thiết mà pháp luật quy định là có sự chênh lệch lớn về khoảng cách giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, cơ hội và sự thụ hưởng. Do đó, khi không có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò và sự thụ hưởng thì không được áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

- Thứ tư, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp đặc biệt tạm thời, khi khoảng cách giới được thu hẹp, mục tiêu bình đẳng giới đạt được thì biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sẽ được gỡ bỏ. Bởi vì, xét về tính chất, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp thể hiện tính ưu đãi. Áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sẽ tạo ra nhóm chính sách mang tính ưu đãi, việc ưu đãi có thể đặt ra với nhóm nam hoặc nhóm nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới. Do đó, khi khoảng cách giới đã được thu hẹp mà vẫn tiếp tục áp dụng thì lại tạo ra bất bình đẳng giới. Vì vậy, khi khoảng cách giới được thu hẹp, mục đích bình đẳng giới đã đạt được, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, xét về tính chất cũng thể hiện tính ưu đãi, tuy nhiên, khác với các quy phạm và nhóm chính sách có tính ưu đãi được sử dụng để thực hiện chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ. Bởi vì, tính ưu đãi trong biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có thể đặt ra đối với nam hoặc nữ, tùy thuộc khoảng cách giới chênh lệch đang tạo ra bất lợi cho nhóm nào trong việc thực thi quyền. Tuy nhiên tính ưu đãi của chính sách bảo vệ, hỗ trợ người mẹ thì chỉ đặt ra đối với phụ nữ. Mặt khác, việc ưu đãi trong chính sách bảo vệ hỗ trợ người mẹ là giải pháp dài hạn mà không có tính chất là biện pháp đặc biệt tạm thời như biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Cần phân biệt để nhận diện rõ, tránh nhầm lẫn đối với các nhóm chính sách ưu đãi thuộc biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và nhóm chính sách ưu đãi nhằm bảo vệ, hỗ trợ người mẹ.

Theo TS.Bùi Thị Mừng/Đại học Luật Hà Nội

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính