GS Lê Thị Quý là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nhiều địa phương; là người đầu tiên gióng hồi chuông nghiên cứu lĩnh vực phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới và cùng với Viện Nghiên cứu thanh niên lập những mô hình hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân trở về tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương từ những năm 1997 - 2000.
Ở Việt Nam, GS Lê Thị Quý còn là nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về khoa học Giới, Lí thuyết nữ quyền, Gia đình học, Xã hội học gia đình. GS đã có tiếng nói đóng góp quan trọng xây dựng Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các luật khác liên quan đến giới như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong bối cảnh khoa học nghiên cứu về gia đình ở nước ta còn khá mới mẻ, công trình Gia đình học (NXB Lí luận Chính trị, 2007; tái bản năm 2009) - do GS Lê Thị Quý cùng GS Đặng Cảnh Khanh thực hiện - là cuốn sách đầu tiên đưa ra khái niệm Gia đình học với tính cách là một môn khoa học chuyên ngành ở Việt Nam.
Khát vọng lớn nhất của GS Lê Thị Quý là sự nghiệp cùng kết quả nghiên cứu của bà phục vụ hiệu quả cho sự bình đẳng và hạnh phúc của nữ giới. Ảnh tư liệu |
GS Lê Thị Quý SN 1950, trong gia đình nhà Nho tại vùng đất Kinh Bắc xưa. Năm 1967, tốt nghiệp khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, bà xung phong làm PV chiến trường. Đất nước thống nhất, vợ chồng bà vào công tác tại Viện Khoa học xã hội miền Nam, TP HCM.
Ở môi trường công tác này, bà có điều kiện được tiếp xúc và làm việc với những người tham gia phong trào công nhân và các chiến sĩ cộng sản từng hoạt động bí mật. Cùng với nguồn tài liệu phong phú, bà nghiên cứu và xuất bản cuốn “Nghiệp đoàn Sài Gòn và phong trào công nhân miền Nam Việt Nam (thời kỳ 1954-1975)”.
Năm 1983, nền kinh tế đất nước sa sút, ách tắc, nên đời sống người lao động nói chung gặp nhiều khó khăn, trong đó có gia đình bà. Mặc dù chồng bà - ông Đặng Cảnh Khanh (con trai trưởng của GS Đặng Vũ Khiêu) đang làm nghiên cứu sinh ở Bulgary, một mình chăm sóc, nuôi dạy con nhỏ, nhưng với quyết tâm: Chỉ có một con đường đi lên là học, bà đăng ký và đỗ kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh.
Năm 1984, bà được đi học tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Trong hoàn cảnh chồng một nơi, con một nẻo, bà đã từng buồn rầu, khóc rất nhiều vì thương con. Nhưng rồi bà lấy đó làm động lực cố gắng và đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ chuyên ngành lịch sử năm 1989.
Trở về nước, TS Lê Thị Quý được phân công làm Thư kí tòa soạn Tạp chí Khoa học và Phụ nữ, Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ (thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam). Bà rất bận rộn vì đảm nhận tất cả công việc: trị sự, phân phối, xin giấy phép, soạn bài, biên tập…
Thời điểm này, các tài liệu về nữ quyền bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Bà có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu, hứng thú tìm đọc về vấn đề này và bà sung sướng xác định đây chính là con đường bà sẽ gắn bó, theo đuổi nghiên cứu cả cuộc đời. Bà còn nhớ, trong một buổi họp về vấn đề công đoàn và công nhân, nhà văn Xuân Cang (khi đó là thành viên Ban thư ký Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) ngỏ ý mời bà về làm Viện trưởng Viện Công nhân.
Không đắn đo suy nghĩ, bà liền trả lời: Em xin từ chối, vì em đã quyết định chọn nghiệp nghiên cứu về phụ nữ và xác định cả đời gắn bó với nó nên em sẽ không đi đâu nữa. Mặc dù, vấn đề công nhân là chuyên môn gắn bó với bà khi theo học ngành lịch sử. Nhưng với bà, vấn đề về phụ nữ quá hay và hấp dẫn, gần gũi với bản thân, nên đã thôi thúc bà toàn tâm trong các dự án nghiên cứu.
Đầu những năm 90, Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ có xu hướng nghiên cứu những vấn đề tích cực trong phong trào phụ nữ, như phụ nữ nông dân, phụ nữ công nhân, phụ nữ trí thức…
TS Lê Thị Quý lại chọn cho riêng mình hướng nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới. Năm 1996, một số nhà khoa học của Hà Lan, Campuchia, Thái Lan triển khai Dự án “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em ở khu vực Đông Nam Á”, bà Lê Thị Quý được mời làm Chủ nhiệm đề tài “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới ở Việt Nam”.
Năm 2000, TS Lê Thị Quý xuất bản công trình “Các vấn đề về buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới”. Cuốn sách phát hành hơn 2.000 cuốn và bán hết ngay sau đó.
Là người đầu tiên nghiên cứu về vấn đề bạo lực gia đình, với công trình “Bạo lực gia đình ở Việt Nam” xuất bản năm 1994, năm 2003, GS Lê Thị Quý được Tổ chức Dân số thế giới mời phác thảo, xây dựng mô hình về chống bạo lực gia đình. Mô hình này được triển khai ở Thái Bình, Nam Định rất thành công, đem lại nhiều kết quả thiết thực.
Từ hiệu quả mô hình đó, cuộc đấu tranh với bạo lực gia đình đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Tại các vùng dự án, bạo lực giảm tới gần 90%, chấm dứt 100% các vụ gây thương tích cho nạn nhân.
Là người tiên phong dám dấn thân vào những vấn đề gai góc trong xã hội, góp phần đặt nền móng cho mô hình phòng chống bạo lực gia đình; gióng hồi chuông trong nghiên cứu về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, kiên trì đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ, GS.TS Lê Thị Quý xứng đáng được cộng đồng tôn vinh.
Năm 2005, bà là một trong 1.000 phụ nữ trên thế giới được đề cử Nobel hòa bình. Bà tâm sự: Để có những thành công này, tôi luôn quyết liệt với vấn đề tôi nhận định là đúng. Với cá tính mạnh mẽ, giúp tôi vươn lên được hoàn cảnh, sức ép của xã hội. Đặc biệt, tôi thành công là bởi tôi đam mê, yêu thích vấn đề phụ nữ và tôi luôn thấu hiểu, đồng cảm với họ.
Theo Thủy Liên/Pháp luật & Xã hội
Bạn đang xem bài viết Giáo sư Lê Thị Quý: Người ươm mầm giấc mơ bình đẳng giới tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].