Vì sao lao động nữ gặp nhiều rào cản?
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), báo cáo “Việc làm phi chính thức tại Việt Nam qua góc nhìn giới” - một dự án hợp tác chung giữa ILO và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), cho thấy lao động nữ phi chính thức tại Việt Nam có xu hướng dễ bị tổn thương hơn lao động nam phi chính thức và lao động nữ thuộc khu vực chính thức.
Mà trình độ học vấn chính là một trong những lý do khiến lao động nữ phi chính thức gặp nhiều bất lợi hơn nam giới về thu nhập, phúc lợi xã hội và điều kiện làm việc.
Nhóm tác giả của báo cáo nhấn mạnh rằng, trình độ học vấn của lao động phi chính thức còn thấp, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ trẻ. Năm 2021, tỷ lệ lao động phi chính thức được đào tạo nghề kỹ thuật là 14,1%, thấp hơn nhiều so với lao động chính thức (57,7%). Đáng chú ý, hơn một trong 10 lao động phi chính thức nữ (15,3%) và nam (11,1%) không tốt nghiệp tiểu học.
“Đây là một rào cản chính đối với lao động phi chính thức, đặc biệt là những người trẻ, trong việc tiếp cận đào tạo nghề,” báo cáo cho biết.
![Trình độ học vấn chính là một trong những lý do khiến lao động nữ gặp nhiều rào cản. Ảnh minh họa](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/12/lao-dong-nu-1456.jpg)
Trình độ học vấn chính là một trong những lý do khiến lao động nữ gặp nhiều rào cản. Ảnh minh họa
Lao động nữ phi chính thức có nhiều khả năng là lao động tự kinh doanh hoặc lao động gia đình có đóng góp (contributing family workers) (chiếm 73,4 % phụ nữ có việc làm phi chính thức), và thường làm những công việc đơn giản hơn so với nam giới.
Bên cạnh đó, lao động nữ phi chính thức có xu hướng tập trung ở các ngành nông nghiệp và dịch vụ, nơi có tỷ lệ lao động phi chính thức cao.
Một lý do khác gây bất lợi cho lao động nữ phi chính thức là tuổi tác. Lao động nữ ở khu vực này có cơ cấu tuổi tác lớn hơn nam giới, với tỷ lệ phi chính thức cao hơn ở nhóm lao động nữ lớn tuổi.
Việc làm phi chính thức ở những người từ 25 tuổi trở lên có xu hướng tăng theo tuổi, trong đó tình trạng này rõ nhất ở lao động nữ lớn tuổi.
Đáng chú ý, lao động nữ ở Việt Nam còn phải gánh vác gánh nặng gia đình. Qua khảo sát và các phỏng vấn cho thấy phụ nữ có xu hướng làm việc ít giờ hơn so với nam giới, vì họ phải chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình.
Lao động nữ phi chính thức dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc không được trả công so với nam giới, trung bình là 4,34 giờ mỗi ngày so với 2,66 giờ, theo tính toán vào năm 2022.
Có một số khác biệt giữa lao động nữ và nam trong lý do lựa chọn công việc phi chính thức. Tuy nhiên, lao động nữ phi chính thức, với tư cách là người chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc gia đình và trẻ em, có tỷ lệ chọn thời gian làm việc linh hoạt và tiện lợi cao hơn so với nam giới.
Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh rằng những bất lợi về giới do thiên vị, chủ quan và thiếu thông tin trong xây dựng và thực hiện chính sách làm trầm trọng thêm định kiến giới và bất bình đẳng trên thị trường lao động.
Chính sách cần tập trung vào giáo dục và gia đình
Báo cáo cho rằng Việt Nam cần tăng cường khả năng tiếp cận việc làm ổn định cho tất cả lao động phi chính thức, đặc biệt chú ý đến lao động nữ.
Đầu tư vào phát triển kỹ năng có thể giúp người lao động phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ, tiếp cận được việc làm chính thức. Đối với người lao động phi chính thức ở nông thôn, việc triển khai hiệu quả Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2030 là vấn đề then chốt để tạo điều kiện chuyển đổi việc làm cho người lao động nông thôn.
Tại các khu vực thành thị, cần xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, và Quỹ Việc làm quốc gia dành cho lao động di cư làm việc phi chính thức ở thành thị. Việc tập trung đặc biệt vào đào tạo nghề cho lao động không có tay nghề, trung niên và cao tuổi, đặc biệt là lao động nữ, sẽ giúp đạt được mục tiêu này.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy lao động nữ phi chính thức phải đối mặt với gánh nặng kép, nhiều hơn nam giới. Họ vừ tham gia vào các hoạt động kinh tế, vừa thực hiện nghĩa vụ chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, họ cũng có tiếng nói yếu hơn trong việc ra các quyết định chung. Do đó, cần có biện pháp nâng cao vị thế của lao động nữ trong gia đình, cũng như tạo điều kiện để cân bằng giữa công việc có thu nhập với trách nhiệm nội trợ.
Chính phủ cũng nên thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới và Luật Bảo hiểm xã hội.
“Sự công nhận việc chăm sóc không được trả công, việc nhà và thúc đẩy các chính sách công trong chăm sóc trẻ em, trợ cấp cho giáo dục mẫu giáo và dịch vụ chăm sóc người già sẽ giúp giảm bớt gánh nặng gia đình cho phụ nữ,” báo cáo nhấn mạnh.
Theo ILOBạn đang xem bài viết Bất lợi về học vấn khiến lao động nữ không chính thức ở Việt Nam dễ bị tổn thương tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
![từ khóa](https://sf.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/v2.2.85/templates/themes/images/tag.png)