Phát hiện cô con gái có hành vi nhổ tóc từ 2 năm trước, người mẹ đã tìm đủ cách ngăn cấm, kể cả dùng đòn roi nhưng không có hiệu quả.
BSCKII Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đang điều trị cho một bé gái học lớp 9 bị nghiện nhổ tóc.
Mẹ bé cho biết phát hiện cháu hay nhổ tóc từ 2 năm trước và đã tìm nhiều cách ngăn cấm, kể cả dùng đòn roi đánh bé mà vẫn không có tác dụng.
Cháu bé ý thức được hành vi này sẽ làm mình xấu đi, cảm thấy xấu hổ khi gặp người khác với mái tóc nham nhở như vậy và biết đội nón để che mái tóc, nhưng bé không cưỡng lại được cảm giác khoan khoái khi nhổ từng sợi tóc.
Khác với các trường hợp được ghi nhận tại bệnh viện Nhi Đồng thì cháu bé này chỉ nhổ chứ không nuốt hay ăn tóc. Mẹ cho cháu đeo găng tay cả trong lúc ngủ để cháu không nhổ tóc, nhưng cháu vẫn lén lút tháo găng tay để nhổ tóc.
Mẹ cháu đưa đi cháu đi khám 1 bác sĩ, được điều trị bằng thuốc vả liệu pháp tâm lý trong hơn 1 năm qua, nhưng tình trạng của bé không thuyên giảm.
Trước thực trạng đó, bác sĩ đang khuyên người mẹ cạo trọc đầu cho con trong một năm để ngăn việc cháu tìm kiếm cảm giác khoan khoái của việc nhổ tóc, giống như ngưng sử dụng ma túy, qua đó hy vọng cháu sẽ mất dần thói quen xấu là bứt từng sợi tóc. Sau một thời gian thì hy vọng có thể cai nghiện được.
Theo giải thích của bác sĩ Hiển, trong não người có trung tâm thưởng, dưới tác động của một kích thích nào đó làm tăng tiết chất Dopamine tạo ra cảm giác sảng khoái.
Đây là cơ chế của nghiện vật chất (do sử dụng 1 số chất gây nghiện) và nghiện phi vật chất (nghiện 1 hành vi như nghiện cờ bạc, nghiện ăn cắp…).
Trung tâm thưởng và con đường khen thưởng dopamine (dopamine reward pathway) thuộc nhóm nghiện phi vật chất có khi còn khó từ bỏ hơn nghiện ma túy.
Tình trạng trẻ bị nghiện nhổ tóc không phải hiếm gặp. Bé Nguyễn H. Q. (4 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cũng có hành vi nhổ tóc liên tục dẫn đến tóc trên đầu bị rụng, gãy nhiều.
Lúc thấy Quỳnh có biểu hiện như vậy mẹ bé nghĩ con bị ngứa da đầu gây ngứa ngáy, khó chịu nên sinh ra hành động cào cấu giật tóc.
Sau đó thấy tóc con thưa thớt, rụng nhiều hơn mẹ Quỳnh lại nghĩ đến con bị nấm da đầu gây ngứa, rụng tóc.
Quỳnh được mẹ đưa đi bệnh viện thăm khám, dùng nhiều loại thuốc, gội đầu các loại lá cây mà tình trạng nhổ tóc mãi không thuyên giảm…
Theo bác sĩ Hiển, với tình trạng các bé mắc tật nhổ tóc về nguyên tắc phải khám da liễu trước để loại trừ bệnh lý về da liễu. Nếu bé không có bệnh lý về da liễu thì cần được khám tâm thần để biết được nguyên nhân của hành vi nhổ tóc.
Khởi đầu của bệnh có thể chỉ là do stress, nhưng sau đó người bệnh tìm thấy cảm giác khoan khoái trong việc nhổ từng sợi tóc, lâu dần nghiện hành vi nhổ tóc. Tình trạng nghiện này đôi khi còn khó bỏ hơn nghiện ma túy.
Lúc đầu, đó chỉ là thói quen nhẹ như xoắn tóc, vuốt lông mi, lông mày. Khi đã phát bệnh, những thói quen này rất khó bỏ, thậm chí còn vượt quá tầm kiểm soát và dẫn đến nhổ trụi tóc, lông mi, lông mày.
Người bệnh thường xoắn tóc vào ngón tay rồi nhổ cho được hoặc chà xát cho đến khi làm đứt sợi tóc đó. Họ có thể nhổ tóc ở bất kỳ vị trí nào tay với tới được, thường là tóc vùng trán, thái dương…
Theo các chuyên gia, chứng nghiện nhổ tóc hay còn gọi là bệnh Trichotillomania. Đây thực chất là căn bệnh tâm thần nghiêm trọng và được xếp vào dạng bệnh nghiện, tiến triển liên tục.
Hội chứng Trichotillomania xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt có xu hướng bắt đầu từ trẻ nhỏ, các triệu chứng ban đầu không rõ ràng và thường bị bỏ qua. Cùng với hội chứng này, trẻ còn có một số tật xấu khác như cắn móng tay, cũng là dấu hiệu cho một rối loại tâm thần nhưng dễ bị bỏ qua.
Tật nhổ tóc không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây chứng viêm nhiễm da và rối loạn cấp tính, làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ về hình thức, ngại tiếp xúc và dẫn đến xa lánh mọi người.
Do đó, khi thấy con có những biểu hiện xoắn tóc, giật tóc, nhổ tóc và lông trên cơ thể cha mẹ cần đưa con đi thăm khám bác sĩ để được điều trị sớm và đúng cách.