Bữa tối là thời gian cả gia đình quây quần bên nhau, cũng là lúc cha mẹ cần kết nối với con cái thay vì nghịch điện thoại. Để giúp cha mẹ trao đổi với con hiệu quả hơn trong bữa tối, các chuyên gia gợi ý cha mẹ nên hỏi trẻ những câu sau đây.
1. What is something interesting (or fun or difficult) you did today?
- Hôm nay con đã làm điều gì thú vị (hoặc vui vẻ, khó khăn)?
Đây là một câu hỏi tuyệt vời để bắt đầu trò chuyện với trẻ nhiều lứa tuổi. "Để trẻ chia sẻ một ngày của mình và những gì trẻ yêu thích sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái" - Giáo sư Gail Saltz, Đại học Y Weill Cornell, New York cho biết.
Với trẻ ở tuổi đi học, cha mẹ cũng có thể hỏi "What was the most interesting thing you learned today?" (Hôm nay con đã học được điều gì thú vị nhất?).
Câu hỏi này sẽ giúp cha mẹ hiểu điều gì khiến con thích thú, con cần thêm những cơ hội hay giúp đỡ trong lĩnh vực gì và giúp nuôi tình yêu với học tập.
2. What's on your mind today?
- Hôm nay con suy nghĩ về điều gì?
Hãy để trẻ nói về bất cứ điều gì, và cha mẹ luôn phải lắng nghe. Theo các chuyên gia, cần tạo cho trẻ cảm giác được thấu hiểu, có thể thoải mái chia sẻ bất cứ suy nghĩ gì trong đầu.
Chủ đề câu chuyện không cần phải nghiêm túc hay lớn lao gì cả. Nếu con có khó khăn với môn học nào đó, hãy kể cho con những môn mà ngày trước bạn cũng gặp khó khăn, những chuyện của chính bạn khi bằng tuổi con.
3. Who did you sit with at lunch today?
- Trưa nay con ngồi ăn cạnh ai?
Các chuyên gia nhấn mạnh cha mẹ không nên hỏi những câu có thể đơn giản trả lời "yes" (có) hay "no" (không). Hãy hỏi những câu hỏi cụ thể nếu không trẻ sẽ không chia sẻ nhiều hơn một câu trả lời cụt ngủn.
Chuyên gia tâm lý học trẻ em Susan Bartell cho biết: "Trẻ em và trẻ vị thành niên sẽ không cố gắng chia sẻ những chi tiết ở trường, đặc biệt nếu có một số chi tiết khiến trẻ buồn, xấu hổ, không thoải mái.
Đừng hỏi han quá sâu, nhưng nếu bạn nắm được thông tin nào đó đáng quan ngại (chẳng hạn "Trưa nay con ngồi ăn một mình") thì nên lưu tâm đến chuyện này.
4. Can I tell you about something crazy that happened to me today?
- Mẹ kể cho con chuyện kỳ quặc xảy ra với mẹ hôm nay nhé?
Đây chỉ là một câu hỏi để bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình, nhưng nó cực quan trọng. Trẻ con thường có tâm lý coi mình là trung tâm. Trong quá trình được nuôi dạy, chúng mới học cách quan tâm người khác nếu được chỉ dạy.
Do đó cha mẹ cần cho trẻ thấy chúng cũng cần quan tâm đến thế giới của bạn, dạy trẻ cách lắng nghe người khác.
Bạn cũng có thể hỏi ý kiến, quan điểm của trẻ khi trẻ đã lớn hơn một chút.
5. What are all the things you’re grateful for today?
- Hôm nay con biết ơn những điều gì?
Theo chuyên gia tâm lý Nancy Buck, bữa ăn là cơ hội chia sẻ những giá trị, nguyên tắc bạn cho là quan trọng trong nuôi dạy con.
"Đây không phải thời gian để lên lớp trẻ mà là thời gian để tạo sự tò mò và chia sẻ." Bên cạnh thảo luận những giá trị đạo đức, hãy dạy trẻ bày tỏ sự biết ơn với hạnh phúc mà chúng nhận được.
6. Do you feel full?
- Con thấy no chưa?
Với trẻ rất nhỏ, chuyên gia dinh dưỡng Jill Castle gợi ý hỏi những câu hỏi khác như "What does your tummy tell you? Is your tummy still hungry or happy?" (Bụng con nói gì với con? Nó vẫn đói hay vui vẻ rồi?).
Hỏi con đã no hay chưa, thỏa mãn hay không giúp trẻ nhận thức về sự ngon miệng hay thèm ăn. Như vậy tốt hơn là người lớn ép trẻ ăn hết một lượng thức ăn nhất định, đôi khi có thể khiến trẻ ăn quá nhiều.
7. What made you laugh recently?
- Có điều gì mới làm con cười gần đây nhất?
Bạn cũng có thể hỏi "When did you experience joy today?" (Hôm nay có lúc nào con thấy vui?).
Bên cạnh học các môn học như Toán, tiếng Việt, tiếng Anh,... trẻ cần học hiểu và quản lý cảm xúc của mình thông qua tương tác với cha mẹ, thầy cô, người lớn và bạn bè.
Ngoài ra bạn có thể hỏi con "How would you rate your day on a scale of 1 to 10?" (Con chấm ngày hôm nay của mình mấy điểm?). Đây là cơ hội để cha mẹ hiểu thêm về cảm xúc của con.
8. Do you have any questions about what’s going on in the news?
- Con có câu hỏi gì về những tin tức đang diễn ra không?
Trong thời đại kết nối ngày nay, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng tiếp xúc với hàng tá thông tin có thể khiến chúng lo lắng, quan tâm những không dám hỏi. Có những điều trẻ nghe được nhưng không hiểu là gì, tại sao,...
Câu hỏi này giúp cha mẹ cùng thảo luận với trẻ, sửa chữa những hiểu lầm (nếu có) ở trẻ, gạt bỏ những nỗi sợ hãi hay lo lắng không đúng của con.
9. What do you want to do tomorrow?
- Ngày mai con muốn làm gì?
Hãy để trẻ được lên kế hoạch cùng gia đình, chẳng hạn cuối tuần đi chơi đâu, hè này làm gì,... Bữa tối là lúc nói về chuyện này, bạn có thể biết trẻ đang trông đợi điều gì, muốn làm gì nhất.
Bạn cũng có thể dùng câu hỏi "What activities do you enjoy most these days?" (Con thích hoạt động nào nhất?).
10. How are your friends or classmates doing?
- Các bạn và bạn học của con thế nào?
Để hỏi về những mối quan hệ xã hội của con, bạn cũng có thể hỏi "Who do you talk with most often at school?" (Ở trường con nói chuyện với ai nhiều nhất?).
11. What did you talk about in English or history (or some other class)?
- Giờ tiếng Anh (hoặc Lịch sử, hay một môn nào đó) hôm nay bọn con nói về điều gì?
Hỏi cụ thể môn học nào đó giúp bạn hiểu rõ hơn con học được gì trong ngày. Với trẻ lớn hơn, trẻ có thể không chia sẻ cởi mở như trẻ nhỏ.
Hãy dùng những câu hỏi mở để trẻ trả lời dài hơn. Chủ đề không quan trọng, quan trọng là tạo niềm tin và kết nối giữa cha mẹ và con cái.
12. What was your best success of the day?
- Thành công lớn nhất trong ngày của con là gì?
Đây là cách tiếp cận để hỏi về điểm số cao nhất, hay thấp nhất trong ngày của con, thể hiện sự quan tâm của bạn với con.
Nếu thấy con có vẻ căng thẳng, hãy hỏi "Are you stressed about anything?" (Con có thấy căng thẳng vì chuyện gì không?).
Điều này giúp tạo kết nối và giúp trẻ sẵn lòng chia sẻ khi gặp vấn đề, trẻ sẽ tin tưởng bạn giúp chúng vượt qua khó khăn.