Để trẻ ho nhiều dễ kiệt sức, vậy khi nào cha mẹ cần dùng thuốc?

Hỏi: Tôi được biết thời gian này là dịch của cúm mùa, nhất là đọc được nhiều tin trẻ bị biến chứng nguy hiểm chỉ vì cúm. Tôi rất hoang mang vì khoảng 2 hôm nay, bé lớn nhà tôi có biểu hiện chảy mũi, ho hắng.

Tôi muốn hỏi bác sĩ, khi trẻ có dấu hiệu nào thì tôi nên cho trẻ đến bệnh viện. Và để con không mệt vì ho, tôi nên cho con sử dụng thuốc nào?

 (Nguyễn Vân Anh – Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội)

 

Thời điểm chuyển mùa, trẻ em có sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh, nhất là bệnh về đường hô hấp.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thời điểm mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại vi rút, đặc biệt là vi rút cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.

Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39 - 40 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản.

Thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.

Trẻ chỉ có chỉ định nhập viện trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó.

Còn với việc bé ho, đó là khi dịch mũi chảy xuống họng khiến trẻ có phản xạ ho để tống dịch ra ngoài. Tuy nhiên, nhiều trẻ có thể ho nhiều khiến mệt mỏi, mất sức. Nếu nghiên cứu kỹ, nhiều loại thuốc ho có hướng dẫn đơn giản, ví dụ tuổi nào thì được uống loại thuốc gì và liều lượng bao nhiêu. Phụ huynh cần lưu ý, thuốc tây y không được dùng tùy tiện và có khuyến cáo trẻ dưới 2 tháng không dùng thuốc ho.

Với trường hợp này, ta có thể dùng thuốc ho thảo dược hoặc theo kinh nghiệm dân gian dùng một số thảo dược, gia vị trong nhà bếp  như tỏi, lá hẹ, hồng bì, chanh ngâm mật ong, hay cho trẻ uống các loại nước chanh, cam có hàm lượng vitamin C cao nhằm tăng sức đề kháng, cũng như có khả năng kháng khuẩn tự nhiên cho đường hô hấp của trẻ./.

                                                               Hồng Ngọc/GIADINHMOI.VN

Bài liên quan

 


Tin liên quan