'GS Hồ Ngọc Đại coi quy trình giáo dục dạy và học là một công nghệ. Công nghệ Giáo dục mà trong đó trẻ - học sinh phải là trung tâm' - ông Đặng Bảo Hiếu, người có 4 năm dạy học tại trường Thực nghiệm chia sẻ
PV:Thời điểm ông dạy tại trường, số phụ huynh lựa chọn cho con theo học phương pháp của GS Ngọc Đại có tỷ lệ như thế nào so với số người chọn học theo phương pháp đại trà?
Ông Đặng Bảo Hiếu: Thời điểm tôi dạy ( từ 1984 đến 1988), cơ sở trường Thực Nghiệm đã có đến lớp 6, mỗi khóa trên dưới 100 em. Tôi dạy từ lớp 4 và theo các em lên tận lớp 8. Xin nói thêm, ngày đó trường chỉ có dạy duy nhất phương pháp của GS Đại chứ chưa dạy song hành cả hai phương pháp như bây giờ.
Chương trình thực nghiệm cấp tiểu học sau đó được nhân ra thí điểm ở các tỉnh thành như: Hải Phòng, Huế, TP HCM... Tôi nhớ khi ấy, cứ dịp hè là giáo viên thực nghiệm lại đi đến các địa phương nói trên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, dạy mẫu.
PV: Như ông chia sẻ, phải chăng phụ huynh của những học sinh thực nghiệm thời đó đều là những người thích "đột phá" trong giáo dục con cái?
Ông Đặng Bảo Hiếu: Thành phần phụ huynh nhà trường thì đủ cả: trí thức, công nhân, tạp vụ, buôn bán nhỏ... có hết song phần đông là trí thức.
Thời bao cấp, có lẽ một trong những lý do chung mà họ gửi con vào trường Thực Nghiệm, đó là chế độ bán trú. Thời đó Hà Nội làm gì có trường nào chăm sóc con cái cho bố mẹ đi làm cả ngày, cứ sáng là đưa con ra điểm xe đón, chiều ra đón con ở điểm xe trả về.
Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn về chương trình học thực nghiệm, vì họ chẳng hiểu gì cả, nào là tập hợp, ánh xạ... nhưng thấy con cái trí tuệ phát triển bình thường, nên dần họ yên tâm.
Thứ 2 là trường học tiếng Nga từ lúc còn bé. Tiếng Nga hồi đó thịnh hành, lại được học từ bé, chắc chắn là hơn các trường khác. Nhiều gia đình có hai con, cho cả hai con vào học. Anh vào rồi em cũng vào, lại còn có mấy cặp sinh đôi. Sau này thì bố hay mẹ từng là cựu học sinh trường thực nghiệm, tin tưởng phương pháp giảng dạy của trưởng, tiếp tục gửi gắm con cái.
Ngay như tôi, có cậu em sinh năm 1975 cũng là học trò khóa 3 thực nghiệm. Bố tôi cũng là phụ huynh của trường, ông cũng là một nhà giáo nhưng chấp nhận cho con mình làm "chuột bạch" cho chương trình thực nghiệm.
Sau này, cậu con trai thứ 2 của tôi cũng là học sinh của trường Thực nghiệm. Như vậy, tôi cũng là phụ huynh của trường. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào phương pháp giảng dạy của nhà trường.
PV: Từng là giáo viên, từng là phụ huynh của Trường Thực Nghiệm, ông có ấn tượng như thế nào với cha đẻ của phương pháp "đọc chữ ô vuông tam giác"?
Ngày tôi còn dạy học, tôi nhớ như in câu nói của thầy Đại có nói với các phụ huynh trong buổi họp phụ huynh toàn trường: "Các anh các chị không dạy được chúng nó đâu, vì cái tri thức các anh các chị đã có là những thứ sáo mòn. Chúng nó cả ngày ở trường, buổi tối về nhà để chúng dành thời gian chơi với ông bà, cha mẹ, anh chị..."
Với tôi, ấn tượng lớn nhất về thầy Đại là một trí tuệ sắc sảo, một người có khả năng truyền cảm hứng to lớn, một người tự tôn cực lớn và chịu trách nhiệm về những gì mình làm.
Phải khẳng định, thầy Đại là nhà sư phạm học, tâm lý học, phương pháp học, không phải là nhà ngôn ngữ học. Nếu bỏ qua một số bất cập về nội dung, chúng ta sẽ thấy được những điều tích cực của phương pháp Hồ Ngọc Đại.
Cái nhân văn nhất của phương pháp này là coi trẻ là trung tâm, phát triển nhận thức của chúng quyết định nội dung và phương pháp dạy, giáo dục cảm xúc giai đoạn đầu đến trường của trẻ rất được coi trọng.
Chính vì thế mà từ lớp 1 chúng đã làm quen với thơ lục bát, ngoài những bài học đánh vần, cảm nhận âm vựng của trẻ về thơ lục bát, đồng dao gắn với âm, các từ vựng, các con chữ chứ không phải là các kỹ tự đơn lẻ.
Chính vì thế, khi tôi dạy bọn trẻ đọc thơ tiếng Nga, tôi phải hướng dẫn chúng đi từ cảm xúc rồi mới đến ngữ âm, âm điệu, rồi mới đến từ vựng.
Ở ngôi trường này, trẻ được khuyến khích nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình, chúng thể hiện rất tự nhiên ý kiến cá nhân, yêu ghét rõ ràng, chân thành và không "láu cá". Vì con trẻ dẫu thế nào thì tốc độ phát triển nhận thức có lúc nhanh, lúc chậm, nhưng điều cơ bản nhất đối với chúng là sự tự tin vào khả năng của mình
Chính vì thế, theo đánh giá của cá nhân tôi, có thể thấy tỷ lệ trẻ hồn nhiên, thành công, thành đạt của những đứa trẻ được đào tạo theo phương pháp thực nghiệm và trường Thực Nghiệm trong 40 năm qua lớn hơn rất nhiều.
Tất nhiên cũng còn có những lý do khác nữa, nhưng có thể thấy sự hoà nhập của các đứa trẻ thực nghiệm vào các hoàn cảnh, tốt hơn, thuận lợi hơn.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về phương pháp tiếp cận cách dạy "đọc ô vuông tam giác" theo phương pháp của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại của ông như thế nào?
Ông Đặng Bảo Hiếu: Tôi học ĐH Sư phạm Ngoại ngữ và ra trường năm 1984. Ngay sau đó, tôi về giảng dạy tại cơ sở Thực nghiệm Giáo dục của GS Đại, nơi ông hàng tuần vào sáng thứ 5, thuyết giảng cho các giáo viên, cán bộ nghiên cứu của trung tâm về công nghệ giáo dục (CNGD) từ 1984 đến 1988.
Phải nói là tôi may mắn khi tìm được một công việc đúng ngành nghề tại Hà Nội thời bấy giờ nhưng điều tôi may mắn nhất là được làm việc tại đây.
Các bài giảng của GS Hồ Ngọc Đại được xây dựng dựa trên những lý thuyết Tâm lý học Phát triển Nhận thức (Theory of Cognitive Development) mà tác giả chính là nhà sư phạm học tên tuổi người Thụy Sĩ Jean Piaget. Xa hơn nữa là Sigmund Freud, bác sĩ, nhà tâm lý học, tâm thần học nổi tiếng người Áo, cha đẻ của Thuyết Phân tâm, Hành vi...
Để các ý tưởng cải cách được dễ hiểu, GS Hồ Ngọc Đại coi quy trình giáo dục dạy và học là một công nghệ: Công nghệ Giáo dục mà trong đó trẻ - học sinh phải là trung tâm.
Đối với trẻ mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui, trẻ phải được tự nhiên phát triển theo đúng các quy luật của phát triển nhận thức, tư duy logic, tư duy trừu tượng có thể hình thành ngay từ khi còn nhỏ để sau này khi lớn lên các tư duy đó phát triển trở thành những trí tuệ hoàn chỉnh.
Trong khi đó, những khuôn mẫu tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác dần trói buộc trẻ em, ngăn cản mọi sự phát triển bình thường theo quy luật phát triển nhận thức của trẻ phù hợp với mỗi gian đoạn phát triển của lịch sử xã hội.
Lĩnh hội phương pháp của thầy Đại, khi dạy tiếng Nga cho các học từ lớp 4 đến lớp 8 của trường Thực nghiệm, tôi truyền đạt cái thứ ngôn ngữ trừu tượng 3 giống 6 cách, số ít, số nhiều, hoàn thành và không hoàn thành, chủ động và bị động ấy... theo những cách mới.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh chúng phấn khích ra sao trước mỗi giờ học, tôi cho chúng tập thể dục hình khẩu để phát âm tiếng Nga được tròn hơn. Có những khi dùng cả thủ thuật như phát âm nguyên âm “u” hình khẩu phải chu môi rồi đẩy hơi ra. Lũ trẻ cười nghiêng ngả...
Dạy đọc thơ Puskin bài "Buổi chiều Mùa đông", tôi cùng chúng ngồi thành vòng tròn cầm tay nhau, nhắm mắt, quán tưởng quang cảnh mùa đông, mưa phùn, gió bấc lạnh lẽo... mặc dù lúc ấy ngoài phòng học là cái nóng oi ả tháng 5 đầu hè.
Sau này, cái nghiệp dạy học của tôi không được bền, tôi chuyển qua làm công việc khác đã gần 30 năm nhưng những gì được coi là cơ bản thuộc Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại tôi vẫn còn nhớ, và nhất là những kiến thức tâm lý học của thuyết hành vi, vẫn được tôi vận dụng vào kinh doanh hiệu quả cho đến tận bây giờ.
Ông Đặng Bảo Hiếu, sau quá trình giảng dạy tại trường cơ sở Thực Nghiệm, ông Hiếu chuyển sang làm du lịch. Hiện nay, ông là Chủ tịch Focus Travel, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ana Marina Nha Trang.