Dạy dỗ trẻ từng bước ngay từ khi còn nhỏ là chìa khóa để giúp con hòa hợp với trẻ khác khi đi học sau này.
Nói đến bắt nạt ở trẻ em, có hai trường hợp: con bạn có thể là nạn nhân, hoặc, giật mình hơn, con bạn có thể là trẻ đi bắt nạt trẻ khác.
Dạy dỗ trẻ từng bước ngay từ khi còn nhỏ là chìa khóa để giúp con hòa hợp với trẻ khác khi đi học sau này.
Nếu con bạn có những biểu hiện như đẩy trẻ khác, nói xấu với bạn khác hay có những hành vi xấu nói chung với bạn bè, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên nói chuyện với con về bắt nạt.
1. Bắt nạt là gì?
Bắt nạt có thể bao gồm bạo lực vật lý hoặc tâm lý (tác động thể chất hoặc tinh thần). Nó có thể là trêu chọc ai đó hay cô lập một người khỏi một nhóm hay một hoạt động.
Bắt nạt có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp qua tin nhắn hay qua mạng Internet.
· Cả con trai và con gái thường dùng từ ngữ miệt thị để bắt nạt. Đây là trường hợp phổ biến vì nó khó bị người khác phát hiện hơn là đánh đập
· Con trai dễ tham gia vào bắt nạt hơn và cũng dễ bị bắt nạt hơn
· Một số trẻ có thể không phải người khơi mào việc bắt nạt nhưng sau đó lại có tham gia hoặc khuyến khích hành vi này, như vậy cũng gọi là bắt nạt
2. Dấu hiệu cho thấy trẻ đang bắt nạt bạn?
Nếu con bạn đang có hành vi bắt nạt bạn khác, bố mẹ có thể được ai đó thông báo – thầy cô, phụ huynh của trẻ khác, hoặc là một trẻ khác mách lại với bạn.
Nếu bạn nghi ngờ con bạn đang có hành vi bắt nạt bạn, hãy kiểm ra các dấu hiệu sau đây:
· Con bạn nói chuyện về các bạn khác trong trường với thái độ hằn học, khó chịu hay tiêu cực
· Con bạn có tiền, đồ chơi hay những vật dụng khác mà bạn biết là không phải của con
Hai dấu hiệu này không nói chắc được rằng con bạn đang có hành vi bắt nạt, tuy nhiên có thể bạn sẽ cần nói chuyện với giáo viên của con để xác nhận xem có vấn đề gì ở trường lớp hay không.
3. Phải làm gì khi con bắt nạt bạn bè?
Bạn cần nói cho con biết bắt nạt bạn bè là hành vi không thể chấp nhận được, và bạn muốn con dừng việc đó lại.
· Hãy giải thích với con bắt nạt là gì. Bố mẹ nên bình tĩnh và nói với con về những việc con đang làm, tại sao con lại làm như vậy
· Kiểm soát việc sử dụng Internet và điện thoại di động của con
· Nói chuyện với nhà trường về hướng giải quyết của nhà trường và hỏi xem bạn có thể hỗ trợ như thế nào theo hướng nhà trường. Hãy thường xuyên liên lạc với giáo viên để hỏi thăm về tình hình của con
· Một số trẻ bắt nạt bạn vì chúng đã từng bị bắt nạt. Hãy lắng nghe con, vì có thể con bạn cũng đã từng là nạn nhân’
· Đôi khi con tham gia cùng bắt nạt 'hội đồng' bạn khác để không bị bắt nạt hoặc kỳ thị. Khi đó, hãy nói chuyện với giáo viên và nhà trường xem làm cách nào để dạy con cưỡng lại và không tham gia cùng
Hãy nói chuyện với con về việc bắt nạt càng sớm càng tốt. Con bạn sẽ nhận nhiều ảnh hưởng khi con còn nhỏ và bạn sẽ dễ uốn nắn con hơn.
Những lời nhận xét vô tình theo hướng tích cực đối với bắt nạt sẽ khiến trẻ tiếp tục, chẳng hạn như ‘con trai thì phải mạnh mẽ thế chứ’, ‘bé tí mà đã bắt nạt được bạn khác rồi’,… Tuyệt đối không được đưa ra những lời nhận xét như vậy.
4. Phải làm gì nếu con vẫn tiếp tục bắt nạt bạn?
Nếu con bạn bắt nạt trẻ khác nhiều hơn một lần, và bạn đã cố gắng dạy bảo con như trên nhưng không vô dụng thì cha mẹ cần những biện pháp mạnh hơn.
Nếu hành vi bắt nạt diễn ra ở trường hay câu lạc bộ, thì cách tốt nhất là nói chuyện với tổ chức đó.
· Trường học hoặc câu lạc bộ có thể có các quy định xử phạt cho trường hợp này. Cách tốt nhất là cha mẹ hãy ủng hộ quyết định của nhà trường
· Cha mẹ cũng có thể lập ‘cam kết’ với con và kết hợp với nhà trường, nêu rõ nếu trẻ tái phạm sẽ ra sao, nếu trẻ dừng hành vi đó lại thì sẽ ra sao. Bạn cũng có thể thêm vào đó hướng dẫn con nên làm gì thay vì bắt nạt bạn
· Hãy nói chuyện với nhà trường xem liệu con bạn có cần tư vấn tâm lý hay không. Tư vấn tâm lý sẽ rất hiệu quả nếu trẻ có một trong các vấn đề liên quan đến sự tự tin, kiểm soát cơn tức giận hay tính nóng nảy
5. Làm thế nào để ngừng nạn bắt nạt
· Để ngăn chặn hành vi bắt nạt con trẻ cần được dạy cách hòa đồng với bạn bè, học cách cảm thông, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè. Với những kỹ năng trên, trẻ sẽ bớt khả năng bắt nạt bạn khác
· Xây dựng sự tự tin cho con: để con tham gia nhiều hoạt động khác nhau, khuyến khích con làm việc mình thích như chơi thể thao, vẽ tranh, ca hát, diễn kịch,…
· Nghiên cứu cho thấy trẻ được ba mẹ quan tâm sẽ ít bắt nạt bạn bè hơn. Những đứa trẻ cảm thấy không được yêu thương hoặc chứng kiến, trải qua bạo lực gia đình có xu hướng bắt nạt bạn bè nhiều hơn
· Kỷ luật con bạn, tức là đặt ra những giới hạn và những biện pháp kỷ luật không đòn roi nếu con không chấp hành. Nếu muốn con học cách giải quyết tranh chấp mà không dùng bạo lực hay bắt nạt, cha mẹ cũng cần dạy trẻ giải quyết tranh chấp một cách xâu dựng
Nghiên cứu khoa học: Vì sao trẻ bắt nạt trẻ khác?
Phần lớn trẻ em thường trêu chọc bạn bè ở độ tuổi nào đó. Khi lớn hơn, trẻ sẽ nhận thức được hành vi của mình ảnh hưởng đến cảm nhận của người khác như thế nào và sẽ dừng lại.
Những đứa trẻ không học được cách cảm thông có thể sẽ tiếp tục, và trở thành những kẻ bắt nạt.
Một số trẻ thích bắt nạt bạn do tính tình, trong khi số khác là do bạo lực hoặc tổn thương từ gia đình gây nên.
Khi được thông báo hoặc phát hiện con có hành vi bắt nạt bạn bè, tuyệt đối không được:
- Đổ lỗi cho người khác, chẳng hạn: ‘Ở nhà con tôi có thế đâu. Chắc tại ở với anh họ!’
- Biện minh theo cách này: ‘Nó chỉ đáp trả thôi!’ Nên nhớ rằng hai lần sai không có nghĩa là đúng
- Đừng nói ‘Tôi biết con tôi mà, nó chẳng bao giờ làm như thế cả!’ Bạn không thể biết con bạn như thế nào sau lưng bạn đâu