4 lần can thiệp khoa học nhưng đều thất bại
Thiếu tá Vàng A Chua, Bộ đội Biên phòng đồn Biên phòng Mường Mươn, Điện Biên và chị Lý Thị Xía kết hôn từ năm 2012 nhưng mãi không có tin vui.
Là con trai trưởng trong gia đình, anh Chua và chị Xía không chỉ phải chịu áp lực từ người thân mà còn phải đối mặt với định kiến xã hội lên người phụ nữ, nơi mà niềm tin rằng việc không có con là do người phụ nữ. Mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, giáp mặt với những người hàng xóm, chị Xía lại nhận được các câu hỏi quen thuộc như: Tại sao không có con? Tại sao trông khỏe mạnh, không ốm yếu mà vẫn chưa có? Phần chị, chị luôn tự trách và hỏi, khi nào mình mới được làm mẹ?
Ảnh: Vợ chồng thiếu tá Vàng A Chua đã mòn mỏi tìm con 11 năm dài.
Khát khao cháy bỏng được làm cha làm mẹ, anh chị tích cóp để đi khám. Cứ 2 năm, anh chị lại tích được một khoản, nếu không đủ thì vay mượn thêm bạn bè để xuống Hà Nội khám và tìm đến sự can thiệp của khoa học. Thế nhưng dù đã điều trị nhiều nơi từ năm 2015 đến 2019, trải qua 2 lần IUI và 2 lần IVF nhưng may mắn đều chưa mỉm cười với anh chị. Mỗi lần như vậy, là một lần không khí thêm nặng nề trong ngôi nhà nhỏ.
May mắn từ chương trình "Yêu thương lan toả"
Ngỡ rằng cánh cửa tìm con đã đóng chặt, anh Chua và chị Xía may mắn nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn "Yêu thương lan tỏa" năm 2021. Với người khác, khi nhận được gói hỗ trợ miễn phí chắc hẳn đầy vui mừng, nhưng chị Xía thì lại khác. Chị đã có ý định nhường gói hỗ trợ đến cặp vợ chồng khác, bởi những nỗi lo sợ của nhiều lần thất bại, rằng 4 lần trước không thành công thì lần thứ 5 liệu có may mắn.
Mất nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, những lời động viên từ phía chồng, chị Xía luôn tự hỏi có nên làm nữa hay không và cuối cùng bản năng làm mẹ đã thôi thúc, chị đồng ý. Hai anh chị lại từ Điện Biên xuống Hà Nội vượt qua cảm giác say xe, vượt qua quãng đường dài và trắc trở để bắt đầu hành trình tìm con lần thứ 5.
Sau khi chuyển phôi, anh chị ở lại Hà Nội để chờ đợi ngày ra viện kiểm tra kết quả. Anh chị không tin nổi sự thật khi lần đầu tiên nghe tin mình có thai sau 11 năm tìm đủ mọi cách mà không có. Chị Xía siết chặt tay, quay sang hỏi chồng: “Anh ơi, có thật không?”, anh Chua nhìn vợ với cảm giác lâng lâng khó tả: “Vợ chỉ cần ăn và uống để sức khỏe tốt, mọi thứ cứ để anh lo.”. Khoảnh khắc đầu tiên, anh chị cùng rơi nước mắt nhưng không phải vì buồn, thất vọng mà đó là giọt nước mắt của trào dâng hạnh phúc, dù đây mới chỉ là những thông tin còn vô cùng mong manh.
“Trước đây, mình đã rất hy vọng, hy vọng rất nhiều vào niềm tin lần này sẽ được. Hy vọng càng nhiều, thất vọng lại càng lớn. Với lần thứ 5 này, hai vợ chồng mình rất thoải mái, không dám kỳ vọng nhiều nữa thì lại nhận được tin đón song thai, cảm ơn các Bác sĩ, cảm ơn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã cho vợ chồng mình được làm bố, mẹ.” Thiếu tá Vàng A Chua giãi bày.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, anh chị dần tiến gần hơn đến vạch đích. Cùng nhau trải qua thật nhiều những lần đầu, được nhìn hình ảnh siêu âm có hai thiên thần đang lớn lên từng ngày, được trò chuyện mỗi ngày với con, được háo hức chờ đợi đến ngày được gặp mặt con. Để thấy rằng, sự vất vả không hề sai và giờ đây mọi vất vả đều vô cùng xứng đáng.
“Nhìn lại hành trình chạy chữa hiếm muộn suốt hơn chục năm, vợ chồng mình lại thấy càng yêu thương nhau hơn. Nước mắt có, hạnh phúc cũng có, thời gian đã chứng minh tất cả những nỗ lực của hai vợ chồng là xứng đáng với kết quả hôm nay đang có được”, anh Chua ánh lên niềm vui sướng khi nói về kết quả ngọt ngào ngày hôm nay anh chị có được.
11 năm chờ đợi mong con với bao nỗi buồn và tuyệt vọng, từ nay vợ chồng anh chị xin được cất gọn trong ngăn tủ ký ức, để đón chào niềm hạnh phúc của cuộc sống mới. Sau tất cả, hạnh phúc thật sự đã nảy nở và ghé thăm ngôi nhà nhỏ ở nơi rẻo cao Điện Biên của thiếu tá Vàng A Chua và cô gái người H’Mông Lý Thị Xía.
Bạn đang xem bài viết Đôi vợ chồng quân nhân đón niềm hạnh phúc lớn sau 11 năm đợi chờ tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].