Bình quân, trong 1 năm, nam giới Việt Nam tiêu thụ 27,4l cồn nguyên chất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 29 thế giới. Đặc biệt, 44% uống ở mức có hại với 6 lon bia, 6 chén rượu/lần uống.
Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020) nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của luật, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng.
Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.
Rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Do đó, sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.
“Đây là một trong những luật khó làm vì có tính xung đột lợi ích, giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Những người làm công tác chăm sóc sức khoẻ như chúng tôi đã rất vất vả, nhiều phen căng thẳng vì xung đột”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, để Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng. Cần hạn chế sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia.
Thông tin cụ thể về Luật phòng, chống tác hại rượu bia, Thạc sĩ Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có 7 chương và 36 điều, đưa ra những biện pháp cơ bản để quản lý, giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe kinh tế và xã hội.
Trong 3 tháng cuối năm 2019, Bộ Y tế sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, như: Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để trình Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm, để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng, ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm…
Tới năm 2020, Bộ Y tế sẽ chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm thống kê, thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu, bia; thực trạng sử dụng rượu, bia và ảnh hưởng đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế do sử dụng rượu, bia làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội khác...