Chúng ta muốn một thứ giống như tình yêu, nhưng chúng ta không muốn bỏ công sức để đạt được nó.
Chúng ta muốn đăng bức ảnh chụp ly cà phê thứ hai trên Instagram vào sáng thứ 7 dậy trễ, hoặc là hình nghệ thuật của chân chúng ta trong một đôi giày.
Chúng ta muốn có một trạng thái “Trong một mối quan hệ” trên Facebook và được càng nhiều like và nhiều bình luận càng tốt, chúng ta muốn có một dòng trạng thái là chúng ta đã đạt được mục đích đặt ra trong #relationshipgoals.
Chúng ta muốn có một buổi hẹn hò ăn trưa vào Chủ Nhật, một ai đó thông cảm với mình khi xem phim buồn Nắng, hay là một người để ăn vặt vào Thứ Ba, hay là ai đó sẽ nhắn chúc buổi sáng Thứ Tư.
Chúng ta chúc mừng nhiệt tình những người bạn của ta trong đám cưới của họ và luôn bàn tán về việc làm sao họ có thể yêu nhau được như thế, làm sao họ lại có hạnh phúc trọn vẹn thế.
Nhưng chúng ta là một thế hệ không muốn yêu.
Chúng ta check Zalo thường xuyên và chat ngẫu nhiên với nhiều người, hy vọng là đã tìm được đúng người. Chúng ta lên mạng xã hội và đăng rao tìm người yêu như là một món hàng đặc biệt cho bản thân mình.
Chúng ta đọc những bài báo như “5 Dấu hiệu cho thấy chàng thích bạn” và “7 Cách để dành cô ấy về cho mình”, với hy vọng rằng bằng những phương pháp đó chúng ta có thể biến một người xa lạ thành người yêu mình, cứ như họ đã được được xử lý và đóng gói qua nhà máy. Chúng ta đầu tư nhiều thời gian cho Facebook, Instagram và các mạng xã hội hơn là cho bản thân mình. Nhưng chúng ta lại không hề muốn một mối quan hệ.
Chúng ta “nói” và nhắn tin, gửi hình Snapchat và rồi gửi hình riêng tư. Chúng ta đi chơi chung với nhau và có những ngày giờ hạnh phúc, chúng ta đi uống cà phê và uống bia, nhưng chúng ta chẳng bao giờ thực sự hẹn hò cả. Chúng ta né tránh nó. Chúng ta nhắn tin hẹn hò bí mật, gặp nhau và nói chuyện vặt vãnh hàng giờ, rồi lại về nhà và nhắn những tin nhắn vặt vãnh cho nhau. Chúng ta cố gắng bỏ qua hết những cơ hội để thực sự kết nối với nhau bằng cách chơi những trò chơi mà chẳng ai có thể thắng. Chúng ta thường chơi những trò như “Ai ít cảm xúc nhất”, “Ai ít quan tâm hơn người kia”, “Ai lạnh lùng hơn”, “Ai làm ngơ tin nhắn nhiều hơn”, để rồi kết quả chúng ta đạt được là “Chẳng có ai quan tâm đến mình cả”.
Chúng ta muốn một thứ giống như tình yêu, nhưng chúng ta không muốn bỏ công sức để đạt được nó. Chúng ta muốn nắm tay nhau mà không nhìn vào mắt nhau, thích nói nửa đùa nửa thật thay vì nghiêm túc, chúng ta thích nghe những lời hứa đẹp đẽ nhưng không muốn thực hiện chúng, chúng ta muốn kỷ niệm tình yêu của mình nhưng không muốn bỏ công sức trong suốt 365 ngày yêu nhau. Chúng ta muốn hạnh phúc mãi mãi như truyện cổ tích nhưng không muốn bỏ ra sức lực để đạt được điều đó. Chúng ta muốn ai đó hiểu sâu về mình nhưng lại bám theo những thứ nông cạn. Chúng ta muốn có một chuyện tình đẹp nhưng không muốn tốn công.
Chúng ta muốn ai đó nắm tay mình nhưng không muốn để người đó có thể làm tổn thương mình. Chúng ta hứng thú với những câu tán tỉnh sến súa nhưng lại không thích được tán, bởi vì khi đó ta lại sợ bị người đó làm thất vọng. Chúng ta muốn được ôm và nâng lên, nhưng đồng thời lại thích được đứng an toàn trên đôi chân của mình dưới mặt đất. Chúng ta theo đuổi tình yêu, nhưng không muốn ôm lấy nó.
Chúng ta không muốn một mối quan hệ, chúng ta muốn bạn tình để ngủ chung, Netflix và đồ ăn vặt, hay là hình khỏa thân gửi qua mạng xã hội. Chúng ta muốn hàng tá thứ khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang yêu, trong khi thực sự đó chỉ là ảo tưởng. Chúng ta chỉ muốn nhận lấy thành quả nhưng không chấp nhận rủi ro đi với thành quả đó. Chúng ta muốn kết nối với nhau, nhưng chỉ là một chút, để còn đường lùi. Chúng ta muốn cam kết gắn bó với nhau, nhưng chỉ là vừa đủ thôi, vì còn kế hoạch phụ. Chúng ta đi chậm, phải coi mối quan hệ này đi đến đâu, khoan hãy yêu vội, cứ đi chơi chung một lúc đã. Chúng ta đặt mình vào hai thế giới, mỗi chân một nơi, và chúng ta giữ khoảng cách an toàn với người đó, chơi giỡn, thử nghiệm với cảm xúc của họ và, đồng thời, với tình cảm của chính mình.
Khi những thứ đùa giỡn đó bỗng thành hiện thực, chúng ta chạy. Chúng ta trốn. Chúng ta bỏ đi. Dù sao thì cái hồ lớn vẫn còn nhiều con cá khác. Vẫn còn cơ hội để tìm được người ưng ý giữa rừng người ngoài kia. Chỉ có điều tìm và giữ là hai khái niệm khác nhau...
Chúng ta nhắn tin qua mạng xã hội với hi vọng những tin nhắn sẽ mở ra cánh cửa hạnh phúc. Chúng ta muốn tải về một người yêu như một cái ứng dụng và khi cần thì có thể nâng cấp, cập nhật bản vá lỗi cho bản ứng dụng đó, hoặc là tùy biến cho nó hợp với con người mình, và khi không cần nữa thì cứ nhấn nút xóa.
Chúng ta muốn che những điều xấu xa bằng những lớp hóa trang giả tạo, che đi nỗi buồn bằng bộ lọc của Instagram, hay là chọn một tập phim khác trên Netflix và bỏ mặc cuộn phim đời mình. Chúng ta thích cái ý tưởng là sẽ yêu một người, yêu cái đẹp và cái xấu của người đó, nhưng chúng ta giấu đi những xấu xí của mình vào một cái tủ và khóa nó trong đó, đảm bảo rằng ngoài ta ra không ai biết đến sự hiện diện của nó.
Chúng ta tin rằng bản thân mình xứng đáng với tình yêu, giống như là xứng đáng với một công việc sau khi ra trường. Những câu nói triết lý chúng ta hay nghe là nếu chúng ta muốn cái gì đó, thì nghiễm nhiên là chúng ta xứng đáng được hưởng nó. Những bộ phim Disney dạy chúng ta về tình yêu chân thực, về người yêu lý tưởng, về hạnh phúc mãi mãi của hoàng tử và công chúa, cái hạnh phúc ấy dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta tin có thứ gọi là duyên phận và ngồi chờ hoàng tử của đời mình đến. Rồi chúng ta ngồi dậy và bực tức vì không có công chúa hay hoàng tử nào xuất hiện. Những hạnh phúc chúng ta xứng đáng được hưởng đâu rồi? Mối tình như mộng mà chúng ta xứng đáng có đang ở đâu? Duyên số mà mỗi người đều có, nó đang ở đâu?
Chúng ta muốn một chỗ để chứa mình, không phải là một con người. Chúng ta muốn một cơ thể ấm, không phải là một người yêu. Chúng ta muốn một ai đó ngồi cạnh mình để mình có thể thoải mái lướt mạng xã hội hay mở ứng dụng ra chơi game, những thứ kéo chúng ta khỏi cuộc sống thật của mình.
Chúng ta thích nửa nạc nửa mỡ như vầy: luôn tỏ ra là mình không quan tâm trong khi muốn bộc lộ ra tâm tư của mình, muốn được ai đó cưng chiều nhưng thích giữ giá với người đó. Chúng ta nghĩ ra mấy thứ thử thách hay là trò chơi tình yêu để xem người kia có theo được không, nói “Không” trong khi thực lòng là “Có” để xem người ta có thực sự yêu mình không - và rồi vì mải nghĩ đến những điều đó, chúng ta dần không hiểu mình là người thế nào nữa. Chúng ta nói về những nguyên tắc trong tình yêu mà chỉ mình chúng ta hiểu và chẳng ai biết chúng ta muốn gì.
Chúng ta rối loạn như thế là vì không phải chúng ta không muốn được yêu thương, sự thực là sâu thẳm bên trong chúng ta rất khao khát.
(Dịch từ Huffington Post, tờ báo lớn thứ 2 ở Mỹ, người dịch đã chuyển ngữ cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam).
Người dịch: Huskywannafly / Tâm Lý Học Tội Phạm/ Spiderum