Tôi lấy chồng 5 năm nay, có 1 con trai năm nay 4 tuổi. Thật lòng tôi rất muốn đẻ đứa thứ 2 sẽ là con gái. Nhưng nghĩ đến cảnh nuôi con khôn lớn tới lúc gả chồng lại chẳng khác nào…mất con mà hãi hùng.
Người ta vẫn bảo, con gái đi lấy chồng là coi như mất, không thể ở bên, không thể cận kề như ngày còn ở nhà được. Sự thật là như thế nhưng chẳng bố mẹ nào vì câu nói đó mà quên đi con gái mình. Dù con gái có đi lấy chồng bao xa, bao năm đi nữa thì vẫn là con của bố mẹ. Gần yêu kiểu gần, xa cũng vẫn yêu kiểu xa, không gì là không thể.
Tôi ở Yên Bái, lấy chồng tận Bắc Ninh, xa xôi hàng trăm km, nhưng năm nào bố mẹ cũng thu xếp để ra thăm con gái 1 lần. Mẹ tôi say xe lắm, đi về lần nào là ốm lần ấy, nhưng chưa năm nào bà không tới thăm con.
- Tháng nào không đến được thì 1 năm mẹ cũng phải tới thăm con với thằng Cò 1 lần để xem ăn ở ra sao, có thật sự tốt không? Gọi video mẹ cũng không yên tâm được.
Con gái luôn là mối làm ăn lỗ vốn nhất của bố mẹ. Dù đã đi lấy chồng, dù đến nhà người ta làm dâu, phục vụ, hầu hạ nhà chồng nhưng vẫn luôn được bố mẹ đẻ quen tâm lo lắng từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Ngày tôi mới sinh được 3 tháng thì bị mất ngủ. Mẹ chồng suốt ngày chỉ biết bảo:
- Mất ngủ cái gì, nó là lại suốt ngày dán mắt vào điện thoại nên mới thế, cứ thử rời cái điện thoại ra xem có ngủ tít đến sáng không.
Rất nhiều lần giải thích với bà là không phải như vậy, nhưng bà không nghe, cứ phải đổ hết lỗi tại con dâu mới chịu. Chồng đi làm về thấy mẹ mình nói vợ như vậy chẳng những không bênh mà còn vào hùa:
- Suốt ngày ôm cái điện thoại thì còn mất ngủ dài, có sức khỏe không biết giữ sau ốm ra đấy đừng kêu ai.
Chẳng ai chịu tin tôi bị mất ngủ ngoài mẹ đẻ. Bà động viên rồi vào rừng lấy lá chữa mất ngủ gửi ra con gái. Vì muốn con uống lá tươi sẽ tốt hơn lá khô nên tuần nào mẹ cũng bỏ công sức lên rừng lấy lá rồi ra bến xe gửi tới Bắc Ninh cho con.
Tôi đun nước uống và nước mắt cứ chảy ra, nghĩ thương mẹ, thương mình. Lão chồng thì chỉ nhờ ra bến xe khách lấy giúp về thôi mà cằn nhằn, khó chịu:
- Sao không gửi một lần luôn đi, tuần nào cũng gửi 1 tí thế này đi lấy mất cả thời gian.
Đợt thằng Cò nổi mề đay kín người, mẹ cũng tất tả vào rừng lấy các loại lá gửi ra để cháu tắm mau khỏi. Những loại lá này đều lành cả, mọi người dùng bao đời nay có tác dụng rất tốt, chẳng đứa trẻ nào làm sao cả. Vậy mà cầm lá về, mẹ chồng cấm không cho tắm:
- Thời nào rồi còn dùng mấy cái lá linh tinh này, biết nó tốt thật không hay lại bị nặng thêm. Chẳng gì tốt bằng bệnh viện, cứ đưa nó đi viện khám, bác sỹ kê thuốc là chuẩn nhất. Đây là đồng bằng chứ phải vùng sâu vùng xa đâu mà dùng cỏ cây để chữa.
Mẹ chồng cầm bao lá mẹ đẻ gửi ném 1 phát ra vườn:
- Vứt ra đây để khô thì đốt, có khi trâu bò ăn vào lại lăn đùng ra chết cũng nên.
Tôi nghẹn ứ trong cổ họng mà không nói lại được lời nào. Tháng nào mẹ đẻ cũng gom góp đồ quê gửi ra cho con dâu ăn vì bà bảo:
- Đồ này vừa ngon, vừa sạch, ăn đi đỡ nhớ nhà.
Lần thì gửi măng rừng, lợn rừng, gà đồi, cải đắng, ngô…hay có lần cả làng tổ chức đụng thịt trâu bố mẹ cũng không quên gửi ra cho con gái một ít.
Ở nhà bố mẹ có thể không có mà ăn, nhưng cứ đồ ngon, đồ bổ là mặc nhiên để dành gửi ra cho con gái với con rể. Vừa rồi bà gửi ra ít đào và mít dai chín vàng nhà trồng được.
Và cũng vì đi hái đào mà bố tôi bị ngã bong gân. Nhưng vì bị nhỡ chuyến nên tới ngày thứ 2 tôi mới nhận được hàng. Mít thì nát, đào thì dập mất gần nửa, mẹ chồng thấy thế bĩu môi:
- Tưởng cái gì đáng giá chút, gửi mấy quả đào dập thế này làm gì. Ở đây thiếu gì đào với mít mà còn gửi ra, chở củi về rừng, phí mấy chục nghìn tiền gửi.
Vừa nói bà vừa cầm túi đào và mít ném vút cái ra giữa sân, mặc tôi đứng trơ đó vì sốc. Xong rồi bà ném lại một câu:
- Ăn nóng vừa thôi con nó bú lại không ị được.
Nghĩ tủi nhục mà chẳng thể làm gì. Cuối cùng chỉ bố mẹ là thương mình nhất thôi, còn người ngoài họ tính toán thiệt hơn nhiều lắm.
Bạn đang xem bài viết Bố đẻ bong gân vì hái đào gửi con gái, mẹ chồng ném phắt đi bảo: Ăn gì cái loại rẻ tiền này tại chuyên mục Tâm sự của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].