Hoa cẩm tú cầu, hoa ly, đỗ quyên ngủ đông… là các loài hoa hót trong thị trường hoa Tết năm nay. Nhưng chúng cũng có thể là thủ phạm đe dọa sức khỏe, tính mạng trẻ nhỏ.
Ngày nay, ở các thành phố lớn, nhiều gia đình có xu hướng trang trí cây cảnh làm tăng không gian xanh trong nhà. Nhu cầu này càng tăng vào thời điểm Tết, ngoài trang trí nhà cửa, mọi người quan niệm mỗi cây, mỗi hoa có ý nghĩa mang may mắn, tài lộc suốt năm mới.
Điều đáng nói, không ít cây cảnh có chứa độc tố gây ngộ độc hoặc đe dọa sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ.
Vài ngày gần đây, những phố, ruộng, vườn hoa tấp nập người vãn cảnh, mua sắm. Ngay như khu phố Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ, Hà Nội) vào giờ tan tầm luôn tấp nập hàng quán, người qua lại.
Trong số các mặt hàng được bày biện, không ít loại cây được cảnh báo trong lá, thân, hoa, củ… có chứa độc tố gây ngộ độc, đôi khi gây hôn mê, tử vong cho trẻ nhỏ.
Điển hình như với cây cây đỗ quyên, cây trúc đào, cây vạn niên thanh, cây ngô đồng… trong thành phần các cây này đều chứa chất độc. Như với đỗ quyên, cây có chất độc gây triệu chứng chảy nước dãi, uể oải, chóng mặt, khó thở. Đặc biệt nghiêm trọng với trẻ dưới 25kg vì chất độc ảnh hưởng rất nặng.
Hoặc với cây trúc đào, trẻ có thể tử vong vì nuốt phải một lá cây này. Trước đây, nhiều bệnh viện Việt Nam ghi nhận trường hợp phụ nữ ngộ độc do tắm lá cây này làm đẹp.
Ngoài ra, nhiều loại cây tỏa ra khí độc, khi người hít vào cũng rất ảnh hưởng. Trong số đó phải nói tới hoa cẩm tú cầu – loài hoa đang được rất nhiều phụ nữ yêu thích, ưa chuộng. Hoa chứa chất độc gây rối loạn hô hấp, buồn nôn, tiêu chảy. Hay như với hoa ly, mùi hương, phấn hoa có thể khiến một số người dị ứng.
Trên thực tế, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia đã xảy ra tình trạng trẻ bị ngộ độc do ăn, nuốt phải cây cảnh. Tại các chuyên khoa Nhi, mỗi năm tiếp nhận hàng chục trường hợp dị ứng, hóc… quả, lá cây…
Điển hình, giữa năm 2016, tại Mexico, 1 bé trai 5 tuổi bị ngộ độc nặng suýt tử vong vì ăn phải cây môn trường xuân. Loại cây này cũng khá phổ biến ở nước ta.
Việt Nam, đã từng có trường hợp 3 bé trai tại Tiền Giang phải vào viện với các biểu hiện đau rát cổ, nôn ói ra máu.
Tồn tại là vậy, thế nhưng, nhiều người vẫn đang mua sắm, lựa chọn cây cảnh theo sở thích và không biết đến những nguy hiểm tiềm ẩn đó. Phần lớn các bậc phụ huynh hoài nghi về thông tin cây có độc vì bao lâu nay, nhà nhà vẫn trồng mà không có vấn đề gì xảy ra.
Chị Phạm Hoài Trang (Thụy Khuê, Tây Hồ) đang tìm mua chậu đỗ quyên và hải đường lai về chơi Tết. Nhưng ngay chính cây đỗ quyên đã nhiều lần được cảnh báo là loài cây có độc. Tuy nhiên, chị Trang cho rằng: ‘Nếu như có độc thì người bán không dám bày biện ra như thế này. Ngược lại rất nhiều gia đình cũng lựa chọn nó làm vật trang trí’.
Trao đổi về vấn đề này, PGT TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ không nên trồng cây trong nhà vì sẽ tăng nguy cơ ngộ độc do trẻ nhai, nuốt lá cây. Chưa nói đến, nhiều loại cây thải ra khí độc gây dị ứng, mẩn ngứa…
Khi ăn phải các loại cây có độc, trẻ thường có phản ứng quấy khóc, nôn mửa, vùng quanh miệng có dấu hiệu dị ứng.
Khi gặp phải trường hợp trên, cha mẹ nên sơ cứu bằng pha nước muối loãng cho trẻ uống. Sau đó, dùng tay móc họng kích thích trẻ nôn và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Khi tới bệnh viện, người nhà nên mang theo loại cây mà trẻ nhai, nuốt phải để nhân viên y tế xác định được loại độc tố gì và có biện pháp giải độc.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, phụ huynh nên tìm hiểu thông tin về các loại cây cảnh, nên lựa chọn cây ‘lành tính’. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp tuyên truyền để cả người bán, người mua cảnh giác.