Cafe sáng: Cách dạy con tốt nhất

Cha mẹ chính là những người phải học hiểu về con mình chứ không phải vẽ ra con mình theo cách mình muốn.

Nhiều cha mẹ đến giờ vẫn hay dạy con mình hành xử theo cách người khác đối xử với mình. Cái kiểu nó đánh mình thì mình đánh lại, nó đối xử tệ với con thì con đối xử tệ lại với nó. Ai không tốt với mình thì mình đừng dại gì mà tốt lại với nó. Và cho rằng đó là sự khôn ngoan con cái phải học.

Bởi chính nhiều cha mẹ cũng sống vậy lâu rồi. Nên cuộc đời chỉ toàn là những cuộc ăn thua, tranh đấu. Chưa kể tranh đấu leo thang cuối cùng thành huỷ diệt lẫn nhau. Tư duy Ta- Địch thời chiến ăn sâu trong suy nghĩ của quá nhiều người. Những đứa trẻ được giáo dục như vậy cũng vì thế mà ít bạn đi và chẳng ích lợi gì cho sự phát triển sau này của chúng.

Những đứa trẻ lớn lên theo tư duy ăn thua kiểu đó sẽ lệch lạc trong quan điểm về giá trị bản thân của chúng. Chúng sẽ hiểu giá trị bản thân của chúng dựa trên định giá của người khác hay những tiêu chuẩn khung với những “đối thủ”. Kiểu mình phải hơn bạn A, mình phải giỏi như bạn B.

Mà chính chúng cũng không hiểu giá trị bản thân mình thực sự là gì, mất luôn đi cả mơ ước của chính bản thân mà chạy theo mơ ước của cha mẹ hay mơ giấc mơ của đứa trẻ khác. Sự độc lập tư duy vì thế mà không còn nữa.

Dạy con độc lập trong tư duy bắt đầu bằng việc cùng con xây dựng hệ giá trị cốt lõi của bản thân. Tuỳ từng đứa trẻ, chúng sẽ có những giá trị tốt đẹp của riêng chúng. Việc của cha mẹ là khuyến khích những giá trị tốt đẹp trong con và chấp nhận với những thứ con không làm được, kiên nhẫn với những thứ con chưa làm được.

Cha mẹ chính là những người phải học hiểu về con mình chứ không phải vẽ ra con mình theo cách mình muốn. Mỗi đứa trẻ là một bản đồ độc lập khác nhau, cha mẹ phải học bản đồ đó chứ không phải vẽ lại bản đồ.

Vậy khi con mình bị bạn bè chơi xấu thì phải dạy con làm sao nếu như không phải là chơi xấu lại? Tôi chọn cách dạy con đối xử với người khác theo cách mình muốn họ đối xử với mình thế nào. Mình muốn bạn tôn trọng mình thì mình cần tôn trọng bạn.

Là tự thân mong muốn trong con về con người mà con muốn trở thành chứ không phải con người mà xã hội nhào nặn con. Tôi nghĩ đó mới chính là bài học về độc lập trong tư duy mà đứa trẻ nào cũng cần phải học.

Và nếu như bạn nào đối xử với con chưa tốt, chơi xấu con thì đó không phải là lỗi tại con sai nếu như con đã đối xử tử tế với bạn ấy. Chỉ là người bạn đó không phù hợp với thang giá trị của con, vậy thôi.

Tôi muốn con mình sẽ thiết lập thang giá trị riêng của chúng khi chọn bạn mà chơi. Chỉ có đối tác và đối tượng. Không có ta- địch. Thứ mà con quan tâm chính là bản thân con đã tốt hơn con của hôm qua chưa?

Theo đuổi phiên bản tốt hơn của chính mình rồi con sẽ gặp những người bạn tương ứng. Con tốt với mọi người vì con muốn mình tốt chứ không phải vì con muốn bạn ấy sẽ chơi với mình vì mình đã làm vậy. Con tốt với bạn ấy không phải vì bạn ấy đã tốt với con mà là vì cả con và bạn ấy đều theo đuổi những điều tốt đẹp.

Dạy một đứa trẻ cư xử tử tế với chính bản thân và mọi người xung quanh rất khó. Bởi những hơn thua, những ích kỷ, những cân đo đong đếm luôn khiến cả người lớn chúng ta cũng thấy bất công. Đầy rẫy bất công xung quanh chúng ta. Như người tốt vẫn thường thua thiệt. Như kẻ xấu vẫn cứ nhơn nhơn và đầy rẫy ngoài kia. Như có những người bạn chỉ biết nghĩ cho bản thân họ và luôn đòi hỏi ta phải cung phụng, chiều chuộng, nghe theo.

Tôi hay nói với 3 đứa trẻ nhà mình về việc “Hãy thiết lập bảng hướng dẫn sử dụng mình cho bạn bè”. Bởi đâu phải ai cũng hiểu con. Hãy chia sẻ với bạn bè việc con muốn mọi người đối xử với con thế nào, suy nghĩ của con. Kể cả những bất đồng.

Nói ra chính là cách nhanh nhất. Còn tất nhiên, bạn ấy có hiểu và biết cách sử dụng con không thì tính sau. Nhưng nếu họ yêu thương con, mong muốn duy trì quan hệ tình bạn này, họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều. Chắc chắn đấy!

Hoàng Anh Tú


Tin liên quan