Có 1 người bạn kể cho mình nghe về bạn anh ấy, làm ăn lăn lộn cả đời, đến ngoài 50 tuổi thì bị phá sản.
Một vài người nữa, lúc trẻ giàu có lắm, mà sau già cũng khổ, cái nhà không có mà ở. Anh kết luận: Đúng là ở đời đến khi nhắm mắt xuôi tay mới biết mình khổ hay sướng.
Mình cãi: Vớ vẩn, chết rồi thì khổ hay sướng khác gì nhau, biết gì nữa mà sướng. Được trang điểm đẹp, được nằm quan tài gỗ xịn nhiều người khóc là sướng à cơ? Bao nhiêu năm trẻ giàu có sung sướng đấy, thế là sướng còn gì, tận khi già rồi chả còn nhiều nhu cầu nữa mới phá sản, quá may mắn rồi. Còn hơn cả đời nghèo khổ, không một ngày sung sướng.
Còn hơn cả tuổi trẻ tích cóp, yên phận, an toàn, không dám đột phá, thử nghiệm, sống tận cùng... chỉ để lúc gần chết hoan hỉ ký 1 đống di chúc cho đứa nào cái nhà, đứa nào mảnh đất. Em không cần.
Trẻ thì cần gì lo nghĩ cho lắm, cứ xông pha đi, già rồi thì tâm cũng tĩnh rồi, kinh nghiệm nhiều rồi, từng trải rồi vượt shock dễ lắm. Lên ngựa được thì cũng xuống ngựa được.
Chả hiểu sao người ta cứ đánh giá sự an nhiên và thành đạt của một người bằng tài sản lúc về già! Sao không nghĩ nhờ thành công lúc trẻ mà họ đã có được những cái cả đời người khác không có?
Nếu muốn an toàn thì ai được muốn đi đâu thì đi, muốn ăn gì thì ăn, muốn chơi gì thì chơi? Ai được cảm giác phấn khích khi thành công, tự tin khi va chạm? Ai được đánh thức bản năng nội tại mạnh mẽ khi khó khăn? Ai được khám phá sức bật và ý chí khi thất bại?
Em thật em chả biết sau này 55-60 tuổi mà đầy tiền đầy nhà đầy đất thì em sẽ làm gì? Làm từ thiện ư? Thật sự có trách nhiệm xã hội thì sao phải đợi đến lúc giàu mới làm? Và làm từ thiện thì đâu phải cứ quẳng cục tiền ra là xong? Nhiều cách mà. Chỉ biết cho tiền có khi còn hại thêm cho xã hội 1 đống kẻ lười biếng và ỷ lại.
Tình cảm cũng vậy. Cô A trách anh B: Biết yêu mày khổ như này tao đã không yêu, biết ngày xưa lấy mày không có hạnh phúc thì tao đã không lấy... Ơ hay, cứ cho 1 năm đầu hạnh phúc đi, thế là bà lãi 1 năm hạnh phúc còn hơn chả có ngày nào rồi còn gì? Từ năm thứ 2 bà thấy khổ thì bà đi chỗ khác đi, cố làm gì, lựa chọn là ở bà chứ thời buổi pháp luật ai kề dao vào cổ bắt bà yêu tiếp?Vừa chịu đựng vừa kêu ca thì thằng kia nó cũng có vui vẻ gì? Nhiều khi 2 người chia tay 1 thời gian sau lại có 4 người hạnh phúc ấy chứ lị.
Thường thì người ta sẽ chỉ có khái niệm "hối hận" "ước gì", "giá mà"... khi bản thân không có sự chủ động và tĩnh tâm. Chứ chuyện gì xảy ra chả mang lại không tiền bạc thì kinh nghiệm. Nhiều khi kinh nghiệm còn quý hơn tiền.
Cuộc sống đầy màu sắc có tiền nào mua được đâu, chiều sâu tâm hồn và khí chất có cái gì đổi được? Cho nên cứ sống, và cứ vui, và cứ yêu đi, đời có bao nhiêu!
Xinh Truong An
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Đánh giá thành công của một người tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].