Cách phòng chống bệnh cúm cho trẻ nhỏ và thai phụ trong dịp Tết

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm gây nên (thường là do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C). Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua nước bọt, dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh...

Tại sao bệnh cúm lại nguy hiểm với trẻ nhỏ và bà bầu?

Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao hơn vào mùa đông xuân. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, bệnh cúm có thể có những diễn biến nặng do sức đề kháng của những đối tượng này kém.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, số bệnh nhi đến khám và nhập viện do nhiễm vi rút cúm đã tăng cao trong thời gian gần đây.

Trẻ bị cúm thường có biểu hiện sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39 - 40 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt

Chỉ 2 tuần đầu của tháng 1/2018, đã có hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm khi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong số đó, hơn 100 bệnh nhi phải nhập viện điều trị.

Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại vi rút, đặc biệt là vi rút cúm phát triển.

Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.

Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39 - 40 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản.

Theo bác sĩ Hải, thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol).

Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.

Ngoài ra, khi trẻ nằm viện thì nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom, mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang vi rút cúm ra cộng đồng.

“Trẻ chỉ có chỉ định nhập viện trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó”. – BS Hải cho biết.

Còn đối với thai phụ, trong thời gian mang thai, sức đề kháng của người phụ nữ sẽ giảm đi. Do đó, họ thường dễ nhiễm bệnh hơn, và nếu nhiễm cúm thì dễ biến chứng nặng hơn so với những đối tượng khác.

Khi mang bầu, sức đề kháng của phụ nữ kém hơn hẳn so với bình thường, do đó bà bầu rất dễ bị nhiễm cảm cúm

Đối với thai nhi, nếu người mẹ nhiễm vi rút cúm (trong đó có các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C), nhất là giai đoạn 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, dễ dẫn đến tình trạng thai dị dạng, bất thường như sứt môi, hở hàm ếch, thậm chí còn gây đẻ non, sẩy thai, thai chết lưu nếu bị mắc ở ba tháng cuối của thai kỳ.

ThS.BS Mai Trọng Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Khi mang bầu, sức đề kháng của phụ nữ kém hơn hẳn so với bình thường, do đó bà bầu rất dễ bị nhiễm cảm cúm, các bệnh đường hô hấp, nhất là thời điểm giao mùa.

Khi các bà bầu bị bệnh sẽ liên quan đến việc dùng thuốc để điều trị bệnh. Mà với bà bầu, việc dùng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.

Bởi việc bà bầu tự ý dùng thuốc sẽ rất nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi, thậm chí một số thuốc còn có thể gây ra dị tật thai nhi. Do đó, các mẹ bầu cần hết sức chú ý bảo vệ đường hô hấp của mình, nâng cao sức đề kháng để phòng ngừa bệnh tật”.

Cách giữ ấm, tăng cường sức khỏe cho bà bầu vào dịp Tết 

- Ăn no, mặc ấm, ăn uống đồ ấm nóng, giữ ấm chân, tay, đầu cổ 

- Chú ý đến vấn đề chất lượng và số lượng trong chế độ dinh dưỡng. Bình thường mẹ bầu đã phải ăn nhiều để đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe nhưng thời điểm lạnh phải ăn tăng hơn nữa vì thời tiết lạnh làm tiêu hao năng lượng nhiều. 

- Khi gặp các vấn đề sức khỏe, bà bầu cần tìm đến bác sĩ để thăm khám và điều trị theo đúng chỉ định. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị kẻo dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Cách phòng ngừa bệnh cúm

Người bị nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ... Bệnh cũng có thể diễn biến nặng trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó.

Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi... giúp phòng ngừa bệnh cúm lây lan và diễn biến phức tạp

Do đó, để chủ động phòng chống bệnh cúm trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.

- Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

- Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.

- Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã, phường.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan