Cảm cúm có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, đó là điều các bác sỹ đã biết từ lâu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây ở Canada phát hiện, nguy cơ này tăng gấp 6 lần trong tuần đầu tiên sau bị cảm cúm so với thời điểm 1 năm trước và 1 năm sau khi mắc bệnh.
Khác với các nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học áp dụng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để chắc chắn những người tham gia đều thực sự mắc cảm cúm.
Các kết quả được đăng vào thứ Tư vừa qua trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ trong vòng 5 năm trở lại đây của các bệnh viện và phòng khám tại Ontario.
Họ phát hiện 332 người, phần lớn là người già dương tính với xét nghiệm cúm bị đau tim trong cùng năm đó.
Con số thống kê cũng cho thấy, 20 người bị nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tuần mắc bệnh cúm, trong đó 6 người tử vong.
Người đứng đầu nghiên cứu, TS Jeffrey Kwong của Viện Khoa học Đánh giá Lâm sàng (Institute for Clinical Evaluative Sciences) ở Toronto cho biết: “Nguy cơ mắc bệnh tim chỉ tăng đột biến trong tuần đầu tiên bị cảm”.
Tại sao bệnh cảm cúm – một bệnh về đường hô hấp, đi kèm với sốt, ho và đau nhức lại có thể gây nhồi máu cơ tim?
Cảm cúm có thể khiến phình và viêm động mạch vành, khiến cho các mảng xơ vữa tích tụ, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch máu, vì thế tim không nhận đủ máu và oxy để hoạt động.
Ngoài ra, khi bị cảm cúm, sức đề kháng và quả tim đã bị yếu đi, lại chịu tác động của cúm và siêu vi trùng khác.
Ví dụ, viêm phổi dẫn đến tình trạng khó thở, vì vậy tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến mọi bộ phận trên cơ thể nhằm cấp oxy.
Ngoài cảm cúm, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 3,5 lần ở những bệnh nhân bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) trong tuần đầu tiên mắc bệnh.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Nghiên cứu mới: Cảm cúm làm tăng nguy cơ đau tim ở người lớn tuổi tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].