Niềm hạnh phúc vỡ òa trong căn nhà nhỏ của cặp đôi hiếm muộn anh Tảo, chị Hường (ở Hải Dương) khi chị sinh hạ thành công liền 3 bé sau 8 năm đằng đẵng mong ngóng...
Năm 2011, ở tuổi 27, chàng trai trẻ Phạm Văn Tảo (quê ở Hải Dương) quyết định kết hôn cùng chị Hường (Hải Phòng), khi đó mới 22 tuổi. Giống như bao nhiêu cặp đôi hạnh phúc khác, anh Tảo chị Hường đều mong ngôi nhà nhỏ có thêm tiếng cười của con trẻ, để ông bà nội ngoại có cháu bế bồng, để anh chị được làm mẹ, làm cha.
Thế nhưng, 6 tháng, 1 năm rồi 2 năm trôi qua, càng mong ngóng, thì niềm vui làm cha mẹ vẫn chưa đến với đôi vợ chồng trẻ tuổi.
Hành trình chạy chữa tìm con của chị Hường và chồng bắt đầu sau 2 năm kết hôn. "Đúng như các cụ nói, có bệnh thì vái tứ phương, khao khát mụn con nên bất kỳ ai mách ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, bất kể Nam hay Bắc, vợ chồng tôi đều tìm đến. Thậm chí, chúng tôi còn gác lại hết công việc vào tận trong TP. HCM để chữa trị, nhưng vô vọng" - anh Tảo kể.
Chị Hường cũng đã trải qua 3 lần thụ tinh ống nghiệm tại các bệnh viện khác nhau từ Hà Nội tới TP. HCM. 2 trong số đó giúp chị đậu thai nhưng cả 2 lần, chị đều bị lưu ở tuần thứ 8.
"Có những lúc cả 2 vợ chồng đều đau khổ, bế tắc trong hành trình tìm con. Áp lực từ chính mình đến gia đình, họ hàng, bạn bè khiến 8 năm trôi qua thật dài, thật mệt mỏi. Nhưng tôi cũng may mắn khi chồng tôi luôn ở bên cạnh, dù anh cũng rất buồn nhưng anh luôn động viên tôi cố gắng, không từ bỏ hy vọng tìm con" - chị Hường bộc bạch.
Đầu năm 2018, hai vợ chồng anh Tảo tìm đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây anh chị được các bác sĩ của bệnh viện can thiệp bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Đây là lần thứ 4 anh Tảo chị Hường thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Do 3 lần trước thất bại nên lần thứ 4 này, cả gia đình đều khá hồi hộp và căng thẳng đợi kết quả.
"Khi nghe bác sĩ thông báo đậu 3 thai sau 14 ngày chuyển phôi, niềm hạnh phúc lớn song hành với nỗi lo lắng cũng nhiều.
Khi lên bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám, bác sĩ nói tôi mang đa thai, hơn nữa, trong đó có 1 thai lại nằm trong cổ tử cung. Nếu giữ lại cả 3 sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng, mà nếu xử lí 1 thai cũng rất phức tạp với 2 thai còn lại. Nhưng, bác sĩ khuyên để đảm bảo cho sức khỏe cả mẹ cả con, nên giữ lại 2 phôi thai. Lúc ấy, cảm giác như sét đánh ngang tai mình.
Song tôi nghĩ, hai vợ chồng hiếm muộn, phải vất vả lắm con mới đến bên cạnh, tôi không nỡ lòng nào bỏ con nên thuyết phục chồng giữ cả 3 thai lại và chồng tôi đã đồng ý".
9 tháng 10 ngày trôi qua thật chậm chạm, dài đằng đẵng...
"Trong khoảng thời gian đó, điều mong đợi nhất của 2 vợ chồng và bố mẹ 2 bên là mỗi lần tôi lên đi khám thai định kỳ. Mỗi lần nghe bác sĩ thông báo thai nhi ổn định là một lần cả gia đình tôi đều vui mừng. Nhớ lần đầu tiên nghe tiếng đập của tim thai, hai vợ chồng xúc động, nằm trên bàn khám mà nước mắt tôi cứ trực trào ra. Cảm giác đó thật thiêng liêng".
Trong suốt thai kỳ, chị Hường may mắn sức khỏe ổn định. Ở tuần thai thứ 37, chị có dấu hiệu tiền sản giật nên các bác sĩ quyết định mổ lấy thai ngay. 3 em bé ra đời đều khỏe mạnh, cân nặng lần lượt là 2,1 kg, 2,4 kg và 2,9 kg, không cần các biện pháp can thiệp hỗ trợ nào.
Chị Hường có dấu hiệu tiền sản giật nên quyết định cho mổ bắt con khi thai được 37 tuần. Ca mổ diễn ra trong 30 phút, sản phụ có hiện tượng tăng huyết áp và nguy cơ đờ tử cung gây chảy máu. Tuy nhiên quá trình lấy con sau đó diễn ra thuận lợi.
Sau sinh, chị Hường được chăm sóc đặc biệt, còn các bé nằm lồng ấp hai ngày. Chiều 18/4, ba bé được đưa về nằm cùng mẹ trong thể trạng khỏe mạnh.
Bác sĩ Mạch Văn Trường, phó trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, là người thực hiện ca mổ đẻ. Ông cho biết từng mổ đẻ nhiều ca thai ba nhưng chưa gặp trường hợp nào các bé đều nặng trên 2 kg.
Ba em nhỏ hiện được bố, anh Phạm Văn Tảo, bà nội và người bác chăm sóc. Bế từng con trên tay, anh Tảo xúc động: "Niềm hạnh phúc này không có gì có thể đong đếm được. Sau 8 nằm chờ đợi, đến hôm nay, vợ chồng tôi cũng đón niềm hạnh phúc làm cha mẹ".
Một khảo sát gần đây cho thấy, có tới 7,7% các cặp vợ chồng có nhu cầu sinh con không thực hiện được nguyện vọng. Đáng báo động, 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã cho biết có đến 60-70% người điều trị vô sinh thời gian gần đây là vô sinh thứ phát, tức là vô sinh sau khi đã có con/có thai.
Nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn có thể xuất phát từ người vợ (khoảng 40%), người chồng (40%) hoặc từ cả hai phía (~20%), tuy nhiên vẫn có khoảng 10- 15% các trường hợp không rõ lý do.
Những nguyên nhân thường gặp nhất có thể là: Rối loạn rụng trứng, tắc vòi tử cung, bất thường cấu trúc đường sinh dục nữ, bất thường số lượng và chất lượng tinh trùng,..