Bế con gái Gia Linh hơn 5 tháng tuổi trên tay, niềm hạnh phúc và xúc động trong ánh mắt của hai vợ chồng anh Lý Chí Thanh (SN 1987) và chị Phạm Thị Phượng (SN 1995) lại thêm đong đầy khi hồi tưởng hành trình gian nan đi tìm con của anh chị.
Anh Thanh - một người đàn ông nam tính, khỏe mạnh nhưng thời thanh niên, anh bị quai bị rồi không may bị biến chứng. Ngày đó, anh bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu, sau đó tinh hoàn cũng đau và sưng to.
Khi hết bệnh, anh thấy cơ thể trở lại như bình thường, duy chỉ có một bên tinh hoàn cứ teo nhỏ dần nhưng anh không hề nghĩ mình có thể bị vô sinh mà chỉ nghĩ là khó hơn so với người khác mà thôi.
Ngày yêu chị Phượng, anh Thanh cũng tâm sự với người yêu về điều này. Tình yêu lớn đã giúp chị sẵn sàng đồng hành bên anh, cùng xây dựng một gia đình ấm êm, hạnh phúc.
"Sau đám cưới, hơn 1 năm sinh hoạt vợ chồng bình thường mà không thấy con đến bên. Tôi cũng được nghe về việc nếu sau 1 năm cưới, không kế hoạch mà vẫn không có con thì nên đi khám bởi có thể sẽ rơi vào trường hợp vô sinh, hiếm muộn. Vợ chồng tôi tìm hiểu rồi quyết định tới khám, xin tư vấn của các bác sĩ bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội".
Tại đây, anh Thanh phải trải qua 3 lần mổ tìm tinh trùng. 2 lần đầu tiên, các bác sĩ áp dụng phương pháp Phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn (Tese) để tìm tinh trùng nhưng không tìm thấy tinh trùng sống, chỉ có tinh trùng bất động, dị dạng.
Lần thứ 3, anh Thanh được Ths.Bs Đinh Hữu Việt của bệnh viện trực tiếp phẫu thuật, áp dụng phương pháp Micro TESE, dùng kính hiển vi, vạch từng lớp trong tinh hoàn để tìm tinh trùng.
"Ca phẫu thuật hơn một tiếng đồng hồ vô cùng áp lực với tôi vì hai lần trước đã thất bại. Tuy nhiên Micro Tese là kỹ thuật mổ vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng có ưu điểm là dùng kính hiển vi phóng đại lên rất to, sẽ tìm được tinh trùng dễ dàng hơn nên đã may mắn “bắt” được một số tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm" - bác sĩ Việt chia sẻ.
Tuy nhiên, có tinh trùng để làm thụ tinh rồi nhưng 2 lần đầu thụ tinh ngoài ống nghiệm để tạo phôi của hai vợ chồng anh Thanh bị thất bại. Lần đầu tiên thì không có phôi, lần thứ 2 thì đặt không thành công.
"Lúc đó em buồn lắm, suy sụp nhưng vì thương chồng nên không dám thể hiện ra trước mặt anh, mà chỉ lúc nào một mình mới dám khóc. Khóc vì thương anh, thương gia đình 2 bên luôn mong mỏi kết quả tốt và cũng khóc vì lo lắng không biết bước tiếp theo sẽ như thế nào" - chị Phượng tâm sự.
"Nói thực là cũng có lúc tôi nản vì cứ hi vọng rồi lại thất vọng. Nhưng thật may là các bác sĩ của bệnh viện luôn động viên hai vợ chồng cố gắng đến cùng" - Anh Thanh bộc bạch.
"Sau mỗi lần thất bại là một lần áp lực bởi có người động viên tiếp tục nhưng cũng có người nói chắc không có kết quả đâu. Rồi cũng có người khuyên xin tinh trùng của bệnh viện, hoặc tinh trùng của người nhà. Nhưng 2 vợ chồng vẫn bảo nhau cứ cố gắng thêm".
Đến lần thứ 3, cùng với tinh trùng tìm được qua mổ Micro Tese, kíp bác sĩ bên hỗ trợ sinh sản dùng thuốc để kích trứng của chị Phượng.
Trứng sau khi lấy ra được kết hợp với tinh trùng tìm được từ chồng, chuyển sang phòng xét nghiệm để tạo phôi. Rất may mắn, hai anh chị có rất nhiều phôi khỏe mạnh. Sau đó, bác sĩ chuyển phôi vào cơ thể chị Phượng để bắt đầu quá trình mang thai.
"Ngày biết tin mình đã có thể mang thai, được làm thiên chức người mẹ như bao nhiêu người phụ nữ khác, trong tôi cảm xúc vui sướng, hạnh phúc đến nghẹn ngào. Tôi làm gì cũng luôn nghĩ phải giữ gìn để con khỏe mạnh. Niềm hạnh phúc như nhân lên gấp bội khi tôi thấy chồng cười rạng rỡ và chăm lo cho vợ suốt quá trình mang thai" - chị Phượng xúc động.
"Khi biết tin có thai, vợ chồng họ rất mừng nhưng bác sĩ chúng tôi cũng chưa mừng lắm", bác sĩ Việt cười nói. "Thực tế còn phải xem khi chuyển phôi vào cơ thể, người vợ có mang thai được không, thai nghén tốt không, có bị lưu thai không... nói chung rất nhiều vấn đề.
May mắn, cuối cùng vợ chồng anh Thanh đã sinh một cháu gái khỏe mạnh. Đó là niềm vui lớn của cả gia đình và cũng là của các bác sĩ của bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội" - bác sĩ Đinh Hữu Việt kể.
Bé Gia Linh nay đã được hơn 5 tháng tuổi. Đó cũng là khoảng thời gian bắt đầu của sự hạnh phúc vẹn tròn trong gia đình anh Thanh, chị Phượng.
Nhìn con lớn mỗi ngày, hai vợ chồng anh chị lại có thêm động lực, niềm vui để cùng nhau vun vén hạnh phúc cho những tháng ngày sắp tới, và cũng trân trọng chính sự nỗ lực của chính mình trong hành trình đi tìm con.
"Bất kỳ người phụ nữ nào được làm mẹ cũng đều vô cùng hạnh phúc. Với em, việc có con trải qua nhiều khó khăn, vất vả nên khi nghe tin con đã đến bên mình thì đó là một hạnh phúc rất lớn. Nghe tin bệnh viện thông báo, em hạnh phúc đến nỗi nước mắt cứ trào ra.
"Nếu trong hành trình đi tìm con, lần 1, lần 2 chưa thấy con thì cũng không nên bỏ cuộc, nhất định không được bỏ cuộc. Mình cứ kiên trì đi tìm con, chắc chắn sẽ thấy" - chị Phượng nhắn gửi.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Hành trình tìm con của cặp đôi hiếm muộn do chồng bị biến chứng quai bị từ thời trẻ tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].