Hạnh phúc của người ươm mầm
Buổi sáng đầu năm mới, cả gia đình nhỏ của chị Nguyễn T.M. (40 tuổi) ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ ngồi chờ ở trước phòng khám khoa Hỗ trợ sinh sản. Chốc chốc bé gái 5 tuổi lại rời khỏi tay mẹ chạy khắp nơi.
Người chồng liền chạy theo bước con, còn chị M. nhìn theo chồng con mặt rạng ngời hạnh phúc, đưa tay xoa xoa bụng nói: “Nhớ lại cách đây 5 năm gia đình tôi đã vui mừng đón đứa cháu đầu tiên chào đời tại đây. Đến năm 2017, tôi quay trở lại khoa với mong muốn có thêm cháu thứ hai. Bây giờ, thai được 36 tuần tuổi rồi. Đứa bé này cũng là nhờ y, bác sĩ ở đây nữa đó”.
Chị M. tâm sự tiếp: “Vì hoàn cảnh, vợ chồng tôi cưới nhau được 5 năm mà chưa có con. Lúc đó, tôi cảm thấy mọi thứ như tuột khỏi tay mình. Tôi đã từng nghĩ đến việc vợ chồng tôi không có cơ hội được làm cha mẹ. Khi biết tin ở Cần Thơ có Trung tâm IVF, tôi rất mừng và đã đến khám. Hai lần điều trị với kết quả tốt đẹp, tôi như được ban thêm một cuộc đời mới, hạnh phúc mới, trọn vẹn hơn”.
Nếu với vợ chồng chị M., để có một mụn con đã phải đánh đổi bằng 5 năm chờ đợi, thì với vợ chồng Anh Trần L.H. (39 tuổi) và chị Đặng T.T.V. (29 tuổi) ở huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cũng là ngần ấy năm ròng chạy chữa vô sinh hiếm muộn cũng đầy khổ đau và trắc trở.
Bởi đã có nhiều lần cả hai khấp khởi mừng thầm nhưng hạnh phúc chưa kịp chạm tay đã vụt tan biến. Hơn ai hết, anh H. hiểu và động viên vợ cùng cố gắng.
Chính tình yêu đó khiến chị V. càng thương chồng và khao khát có một đứa con để anh được hạnh phúc vẹn tròn. Có thể nói, nhờ vào sự bền bỉ, yêu thương và tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ mà vợ chồng chị V. đã hái được “quả ngọt” trong hành trình gian nan mà rất đỗi thiêng liêng ấy. Vào lúc 9 giờ 25 phút, ngày 20/11/2018, bé gái có cân nặng 4.300 gram đã cất tiếng khóc chào đời.
Hay câu chuyện của chị Diệp K.T. (38 tuổi) và anh Lê T.N. (30 tuổi) ngụ tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ - cặp vợ chồng cũng đã có quãng thời gian đằng đẵng trong hành trình “tìm con” mà không ai biết điểm kết thúc khi nào.
“Hơn 3 năm mong con, được ôm con trong tay vợ chồng tôi vẫn chưa tin đây là sự thật. Bé trai được chào đời vào lúc 8 giờ 35 phút, ngày 25/11/2018 với cân nặng 3.300 gram.
Có thể nói, hạnh phúc được làm cha làm mẹ là niềm hạnh phúc ngọt ngào khôn tả. Tôi mong những đôi vợ chồng mong con luôn tin tưởng và lạc quan trong hành trình tìm con, lựa chọn thầy hay, thuốc tốt để tăng cơ hội thành công, sớm đón con yêu về để tròn đầy hạnh phúc” – chị T. cười hiền lành nói.
Trong rất nhiều câu chuyện kể trong hành trình tìm con có những đôi vợ chồng dành cả cuộc đời tìm kiếm quả ngọt. Đó là một người phụ nữ ở độ tuổi gần 50, hai buồng trứng và buồng tử cung của chị đã lão hóa, niêm mạc khô, mỏng, mất tính đàn hồi, rất khó để cho phôi làm tổ, nên các bác sĩ phải vô cùng thận trọng khi đưa ra phác đồ điều trị.
Từ khi thai được 3 tháng đến nay, chị đã tự nguyện xin nằm viện để dưỡng thai, đợi ngày con ra đời trong sự hồi hộp của cả khoa. Và rồi thật may mắn khi chị đã vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông trong niềm hạnh phúc của gia đình và nhân viên y tế.
Gom nỗ lực tạc hình hài “con”
Một trong những người luôn đồng hành, sát cánh giúp các cặp vợ chồng hoàn thành tâm nguyện thiêng liêng này, ThS.BS. Nguyễn Phan Vinh, Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ Sản TP. Cần Thơ chia sẻ: Điều trị hiếm muộn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ tâm sinh lý, tuổi tác, thời điểm đi khám và điều trị của các cặp vợ chồng.
Riêng với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm - “điểm neo đậu cuối cùng” với các ông bố, bà mẹ bị hiếm muộn là công việc hết sức quan trọng mà từ kỹ thuật viên đến các bác sĩ phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Đồng thời, để có mầm sống tốt, không chỉ cần trứng và tinh trùng phải tốt mà kỹ thuật nuôi cấy phôi cũng phải song hành.
Môi trường nuôi phôi gần như tối om, ánh sáng chỉ đủ để làm việc, nhiệt độ luôn phải giữ ổn định, rồi độ ẩm, nồng độ oxy,... phải được theo dõi sát sao.
Tất cả phải tạo nên môi trường giống như cơ thể người mẹ. Tính toán kỹ lưỡng, thận trọng là vậy, nhưng không phải kết quả nào cũng được như mong muốn.
Vì vậy, các y bác sĩ luôn tự nhắc: “Khi còn có hy vọng, dù là rất nhỏ, nếu gia đình đồng thuận, chúng tôi vẫn sẽ ở bên đồng hành đồng hành, gắn kết cho đến ngày “khai hoa nở nhụy”...
Trong năm 2018, khoa đã giúp cho 43 cặp vợ chồng hiếm muộn mang thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm, nâng tổng số bà mẹ mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm lên 179 trường hợp.
Cho đến nay, khoa đã thu hút đến 38.481 trường hợp với tỷ lệ thành công đạt khoảng 45%. Đáng ghi nhận hơn cả trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã lên đến khoảng 50%, thậm chí trong tháng 6/2018 đã đạt đến 67%, tạo được nhiều tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng của các cặp vợ chồng từ nhiều tỉnh thành khác nhau đến khám và điều trị.
Cùng chung cảm nhận hạnh phúc mỗi lần chữa trị thành công cho các cặp vợ chồng hiếm muộn là BS.CKI. Trần Ngọc Thảo – Bác sĩ điều trị khoa Hỗ trợ sinh sản chia sẻ: “Hiện nay, số cặp vợ chồng bị vô sinh và cần đến các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, lĩnh vực điều trị vô sinh là một lĩnh vực đặc thù mang tính nhân văn.
Những cặp vợ chồng đang mong muốn có con thường phải chịu nhiều áp lực chịu nhiều áp lực từ gia đình, xã hội. Vì vậy, các y bác sĩ rất cảm thông, san sẻ với những khó khăn, áp lực, thậm chí đau đớn trong quá trình điều trị hiếm muộn.
Đổi lại, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều niềm vui khi được nghe các gia đình thông báo đã có tin vui, niềm vui ấy càng nhân lên nhiều lần khi các “mầm ươm” đều đang phát triển khỏe mạnh và mỗi lần đón một em bé ra đời, cả Khoa lại vui như Tết”.
T.ThơBạn đang xem bài viết Gian nan hành trình tìm 'quả ngọt' của những cặp vợ chồng hiếm muộn tại chuyên mục Hôn nhân - Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].