Bí quyết nấu xôi gấc ngon, dẻo, lên màu đẹp giúp mâm cỗ Tết thêm rực rỡ

Ngày Tết mọi người thường nấu xôi gấc để cúng giao thừa, cúng tổ tiên với quan niệm màu đỏ đem lại may mắn, tốt lành cho gia đình. Cùng vào bếp để trổ tài nấu xôi gấc đón Tết nhé!

Một trong những bí quyết nấu xôi gấc ngon, dẻo, lên màu đẹp giúp mâm cỗ Tết thêm rực rỡ là chọn gấc nếp để nấu xôi
Xem thêm

Xôi gấc là một trong những món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Dưới đây là bí quyết nấu xôi gấc theo công thức của các chuyên gia ẩm thực lâu năm. 

Nguyên liệu để nấu xôi gấc ngon

- 1 quả gấc chín (nên chọn loại gấc nếp có gai nhỏ và nhẵn thì gấc sẽ ngon và màu sắc đẹp hơn gấc tẻ)

- 1kg gạo nếp ngon

- 1 bát con mỡ gà sống (dùng mỡ gà ta để nấu xôi sẽ làm hạt xôi căng bóng, đẹp mắt, cũng có thể thay thế mỡ gà bằng dầu ăn)

- 1 chút rượu trắng

- 1 ít muối và đường

- Nồi hấp để đồ xôi và khuôn để đơm xôi (có thể chọn khuôn hình tròn, hình vuông, hình lục giác, tùy sở thích mỗi người)

- Vài cái lá nếp để tạo mùi thơm

- Một ít vừng trắng để trang trí khi đơm xôi

Bí quyết nấu xôi gấc ngon, dẻo, lên màu đẹp giúp mâm cỗ Tết thêm rực rỡ

Cách nấu xôi gấc ngon, dẻo mà không bị ướt

Gạo nếp mua về vo sạch và ngâm nước sạch khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ để xôi nấu xong không bị cứng. Sau khi ngâm gạo được 2 giờ thì vo lại thật sạch và để ráo nước.

Gấc đem cắt làm đôi, dùng thìa cạo hết phần ruột gấc ra một cái hộp lớn hoặc một cái nồi. Cho 2 thìa canh rượu trắng vào phần ruột gấc, trộn đều rượu với gấc và đánh thật nhuyễn.

Cho 1 thìa cà phê muối tinh vào gạo nếp, trộn đều để xôi không bị nhạt. Sau đó đồ phần ruột gấc vào gạo đã vo sạch, dùng tay trộn đều và bóp nhẹ cho phần ruột gấc ngấm đều vào gạo, làm cho gạo có màu đỏ tươi đẹp mắt. Lưu ý không cho quá nhiều gấc vì sẽ làm xôi đỏ thẫm, thâm xôi.

Trong lúc trộn gạo với gấc thì bắc nồi hấp lên bếp, đổ nước dưới đáy nồi và đun sôi nước. Khi nước sôi cho vài lá nếp vào nồi nước để lá tiết ra mùi thơm.

Bí quyết đồ xôi không bị ướt là không để gạo trực tiếp vào nồi hấp mà dùng một cái rá inox hoặc túi lưới cho gạo vào rồi mới đặt vào nồi hấp.

Cho một miếng mỡ gà lên mặt trên của gạo để xôi bóng đẹp và để thêm một bát mỡ gà vào nồi hấp cùng với xôi để mỡ gà chảy ra nước.

Đậy vung và đun vừa lửa trong khoảng 30 phút thì cho rá xôi ra đánh cho xôi chín đều và mỡ gà tan hết.

Khi đảo cho xôi chín đều thì tạm thời nhấc bát mỡ gà hấp cùng ra ngoài, đảo xong lại đặt bát mỡ gà vào hấp.

Tiếp tục cho xôi vào đồ, và khoảng 45 phút trở đi thì xôi bắt đầu mới dẻo, đánh đi đánh lại vài lần thì tắt bếp, cho xôi ra để đánh với đường và cho xôi vào hấp lần 2.

Trong lúc chờ hấp xôi thì chúng ta đi rang vừng. Dùng chảo thật khô, đun lửa thật nhỏ kẻo vừng cháy.

Đun nóng chảo thì cho vừng vào, cầm cán chảo lắc lắc hoặc dùng đũa đảo đều tay đến khi vừng chuyển màu vàng chín tới là được. Đổ vừng ra một tờ giấy sạch để ủ cho vừng chín đều.

Bí quyết nấu xôi gấc ngon, dẻo, lên màu đẹp giúp mâm cỗ Tết thêm rực rỡ là đồ xôi 2 lần và dùng mỡ gà trộn vào xôi

Để xôi ngon, chín đều, dẻo, hạt căng bóng thì trước khi đồ xôi lần 2 nhớ trộn xôi với 3 thìa canh đường, người thích ăn nhạt có thể cho ít đường hơn, người thích ngọt có thể tăng thêm chút đường.

Thêm 1 – 2 thìa canh mỡ gà hấp vào xôi và trộn đều lên. Trong lúc đảo trộn xôi thì nhặt hết hạt gấc ra. Có thể đi găng tay nilon để thực hiện công đoạn này dễ dàng hơn.

Sau khi đã trộn đều và nhặt hết hạt gấc thì cho xôi vào rổ và đặt vào nồi hấp đồ xôi lần 2, thời gian đồ khoảng 10 – 15 phút.

Việc dùng mỡ gà đã hấp tan chảy để đảo cùng với xôi và đường nhằm giúp hạt xôi căng mọng, đường nhanh tan.

Một lưu ý là không nên rán mỡ gà vì khi rán mỡ gà chảy ra có mùi khét thì xôi sẽ không ngon. Tốt nhất nên hấp mỡ gà chảy ra và dùng để trộn với xôi thì sẽ thơm ngon và đẹp mắt hơn.

Sau khi xôi gấc đã được đồ chín thì bắc ra để đóng khuôn đơm đĩa. Trước khi đơm xôi thì cần rửa sạch khuôn để đóng xôi, để ráo nước cho khuôn thật khô hoặc có thể dùng máy sấy tóc để sấy khô khuôn đóng xôi.

Nên nhớ đóng xôi khi xôi còn nóng, vừa bắc khỏi bếp, vì xôi nóng sẽ dễ đóng hơn xôi để nguội.

Rắc một ít vừng đã rang chín vàng vào phần hoa ở đáy khuôn xôi. Xới xôi vào khuôn, xới thật đầy, đeo găng tay miết để xôi được đóng chặt, đẹp hơn.

Sau đó đặt đĩa vào khuôn, lật ngược khuôn và dùng tay ấn cho xôi ra đĩa, nhấc phần đáy khuôn lên là được.

Xôi gấc nấu xong phải ngon, dẻo, mềm, màu đỏ bắt mắt, ăn vào có vị ngọt ngậy ngậy của gấc, béo của mỡ gà, mùi thơm của gạo nếp, lá nếp và các loại nguyên liệu đi kèm. Đặc biệt, màu đỏ bắt mắt của đĩa xôi sẽ làm cho mâm cỗ Tết thêm nổi bật.

 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan