Sau khi bị ngã 10 ngày không khám, cụ bà 72 tuổi bị khối áp xe lớn ở mông, đường kính 10 x 20cm do vi khuẩn kháng kháng sinh Staphylococcus aureus gây ra, khiến cho bà sốt cao, lạnh run nên phải nhập viện điều trị.
Người nhà bệnh nhân P.T.V. (72 tuổi, ở TP. HCM) cho biết, trước khi nhập viện 10 ngày, bà V. bị té đập mông bên phải xuống đất. Sau đó bà V. bị sưng đỏ, đau vùng mông phải nhưng không điều trị gì. Mãi cho đến khi bị sốt cao 2 ngày, lạnh run, sưng đỏ đau vùng mông bên phải nhiều hơn, bà V. mới đến Bệnh viện Nhân Dân 115.
Các bác sĩ thăm khám thấy 2 khối áp xe: khối áp xe ở 1/4 dưới - trong, vùng mông bên phải, đường kính 10 x 20 cm và khối áp xe ở 1/3 trên, mặt ngoài đùi phải đường kính 3x3 cm. Ngoài ra, bà V. còn có tiền căn tăng huyết áp - đái tháo đường type 2 - tai biến mạch máu não cũ.
Các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe mông đùi phải do Staphylococcus aureus.
Sau 5 ngày điều trị bằng các phương pháp: rạch ổ áp xe, bù nước và điện giải, thuốc kháng sinh phù hợp, thuốc ổn định đường huyết và huyết áp, chăm sóc vết thương mỗi ngày, bệnh nhân hết sốt, mông đùi phải bớt đỏ, bớt đau. Hiện tại, vết thương mông phải 10x10 cm sạch, đã lên mô hạt.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhân Dân 115 khuyến cáo các trường hợp áp xe phần mềm cần phân tích kết quả vi sinh (cấy máu, cấy dịch sang thương) và theo dõi đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân để xem xét điều trị kháng sinh thích hợp, mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Hiện tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng diễn ra phổ biến. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có nhiều lý do, có thể từ nhân viên y tế, nhưng đặc biệt do người bệnh tự mua bán thuốc không theo đơn đã thúc đẩy quá trình nhờn thuốc nhanh hơn.
Theo một nghiên cứu công bố trên Pubmed, khảo sát tại các nhà thuốc ở Việt Nam, hầu hết thuốc kháng sinh bán đều không theo đơn, mà do nhà thuốc bán theo lời kể hoặc người mua tự kê.
Thống kê cho thấy, có đến 88% người dân thành thị và 91% người dân nông thôn mua không cần đơn thuốc. Nhu cầu sử dụng kháng sinh khi đi mua thuốc ở thành thị là 50%, nông thôn là 28% và hầu hết người dân không hiểu biết gì về kháng sinh.
Nguy hiểm hơn nữa là việc người dân tự làm bác sĩ, tự mua thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh về điều trị bệnh, để rồi dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Để giảm tình trạng kháng thuốc, các bác sĩ khuyến cáo, việc sử dụng thuốc phải theo đơn, phải theo chỉ định và khuyến cáo của bác sĩ.
Cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Và biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là giữ vệ môi trường ở, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đồng thời, mỗi người cần hình thành thói quen tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể có khả năng chống chọi với các mầm bệnh.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước có tác dụng ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của những bệnh nhiễm khuẩn. Rửa tay bằng xà phòng đúng cách được ví như vắc-xin hữu hiệu mà rẻ tiền cho hệ miễn dịch.