'Bí kíp' sống khỏe của một bác sĩ bị ung thư trong suốt 15 năm qua

Duy trì một thể trạng tốt nhất có thể trong suốt 15 năm qua (kể từ ngày phát hiện mình bị ung thư vào năm 2003), bác sĩ Phạm Trường Giang đã bật mí 'bí kíp' chiến đấu lại căn bệnh quái ác này...

Là bác sĩ, nên bác sĩ nha khoa Phạm Trường Giang duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, vào năm 2003- khi đó ở tuổi 49, bỗng dưng bác sĩ Giang nhận thấy cơ thể có một số biểu hiện khác thường như: chán ăn, ăn không tiêu, đau bụng dù đói hay no, mệt mỏi… dù đã đi khám, làm đủ các xét nghiệm. 

Cuối cùng, sau khi nội soi,sinh tiết kỹ toàn bộ cơ quan tiêu hóa, bác sĩ Giang mới có kết quả  chuẩn đoán chính xác: bị Carcinoma (Carcinoma là loại ung thư tế bào biểu mô. Tế bào biểu mô có mặt khắp cơ thể, nằm bên trong mô liên kết. Vì thế, nó phát triển gần như bất kể bộ phận nào của cơ thể - PV).

Bác sĩ Giang trong quá trình điều trị

Một tuần lễ kể từ khi tìm ra bệnh, bác sĩ Giang được mổ (hở) dạ dày, bác sĩ nói bình thường nên đóng lại, mổ đến đại tràng lên, góc gan chính xác ung thư nên cắt 1/2 đại tràng, hóa trị 9 lần.

Năm 2004, kiểm tra nội soi lại đại tràng tốt, nhưng dạ dày chỗ cũ (nơi hang vị, năm ngoái mổ còn sót), nội soi, sinh thiết, giải phẫu bệnh lý trả lời Carcinoma và sau đó lại mổ (hở) cắt 2/3 dạ dày, hóa trị 9 lần.

Năm 2010, kiểm tra nội soi lại dạ dày, đại tràng lên bên phải các mối nối tốt nhưng nội soi, sinh thiết đại tràng Sigma kết quả giải phẫu bệnh lí lại Carcinoma và tiếp tục mổ (nội soi), lại hóa trị 8 lần.

Năm 2015 kiểm tra nội soi lại đại tràng, dạ dày tốt, nhưng tại bàng quang lại Carcinoma và tiếp tục mổ (nội soi) cắt đốt và hóa trị tại chỗ 7 lần...

Cứ thế, từ năm 2003 cho đến nay, bác sĩ Giang lần lượt được xác định bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng sigma, và gần đây nhất là ung thư bàng quang. 

"Đã từng khóc vì sợ chết"

Trong khoảng thời gian đầu biết mình bị bệnh, vợ là người duy nhất bác sĩ có thể chia sẻ mọi thứ. Người đầu tiên bác sĩ báo tin cũng là vợ. Có lần, hai vợ chồng nằm ôm nhau khóc, khóc vì không biết ngày mai sẽ ra sao? Khóc vì cảm nhận được cái chết cận kề... mà chưa kịp làm gì nhiều cho người thân.

Bác sĩ Giang nghĩ: Con còn nhỏ quá, còn đang đi học, còn quá nhiều thứ phải lo toan; rồi còn phòng khám nha khoa của mình, giờ bệnh đóng cửa rồi có tài chính đâu để lo bệnh,  lo cho con.

Bác sĩ Giang bộc bạch: "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến gia đình, đến vợ. Nghĩ đến việc mình đi rồi, thì họ sẽ thế nào? Mình là trụ cột mà?!".

Dường như hiểu tâm trạng của chồng, vợ bác sĩ -cô Đặng Thị Hồng chính là người vực bác dậy, rồi hai vợ chồng ngồi lại nghĩ cách, tính các bước phải làm gì chứ không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

Cô Hồng kể lại thời điểm 15 năm trước, khi cô cầm trên tay tờ giấy xác nhận căn bệnh của chồng: "Nghĩ đến việc chồng mình sẽ chết, cảm thấy trên đời không còn gì nữa. Không thể giữ bình tĩnh được nữa, lúc đó cô mới cảm nhận được: ung thư thật đáng sợ!"

15 năm với những ca mổ khác nhau đã để lại trên bụng bác một vết sẹo dài, nhưng bác sĩ Giang chưa bao giờ khóc vì đau, bác chỉ khóc khi nghĩ về việc phải chia tay người thân. Khi nghĩ đến mẹ, vợ và hình ảnh đứa cháu nội lém lỉnh hiện lên trước mắt, nước mắt bác cứ thế tuôn chảy. 

Rồi bác sĩ Giang hiểu rằng, muốn có sức mạnh để vượt qua bệnh tật thì phải vững về tinh thần, vì mỗi người đều là 1 chiến binh K, chiến binh thì không buông vũ khí, chiến binh thì không được than thở. 

“Tôi đã phẫu thuật 6 lần rồi, cũng sẹo đầy bụng nhưng bác không nghĩ tới nó nhiều, mình có sao thì mình chữa tới đó thôi. Cuộc đời này niềm may nhất của tôi là còn có vợ, là tình thương trân quý, tình vợ chồng, là sức mạnh của tôi cho tới ngày hôm nay. Nếu không có cô ấy chắc có lẽ không có tôi ngày hôm nay”, bác sĩ Giang xúc động.

“Làm thế nào để lạc quan sống?”

Bác sĩ Giang kể, với những người bệnh ung thư khác, mọi người thường hay ngần ngại hỏi thăm “Có đau không?” nhưng với tôi, chẳng biết vì tính khí vui vẻ luôn cười khề khà của tôi mà mọi người thường hỏi “Làm thế nào để lạc quan như bác?”.

“Tôi lạc quan vì một điều đơn giản, tôi hiểu điều tôi đang phải đối mặt trước mắt và tôi thấy những nguồn động viên của tôi luôn ở phía sau”, bác sĩ Giang nói.

Chia sẻ về bí quyết của mình, bác sĩ Giang nói mình không có bí quyết gì cả ngoài việc phải tuân thủ theo y lệnh, điều trị chính thống bằng khoa học. Ngoài ra, chính bản thân người bệnh phải theo dõi sát chính bạn, tới lịch hẹn bạn phải tới gặp bác sĩ và hỏi bác sĩ xem mình phải làm gì. 

"Bác sĩ không có thời gian theo dõi xuyên suốt bạn. Bạn phải vượt lên chính mình, chính bạn là người quyết định sự thành công, phải giữ bình tĩnh, theo dõi tất cả các sự kiện, thông tin, biết đánh giá thông tin nào là khoa học, thông tin nào không", bác sĩ Giang cho hay. 

Bác sĩ Giang chăm chỉ luyện tập thể thao

Bác sĩ Giang không ngừng luyện tập thể lực để tăng cường sức khỏe chiến đấu với căn bệnh. Ngày ngày, bác sĩ Giang chơi tenis, ngay cả trong quá trình vào hóa chất. Đây cũng là môn thể thao bác sĩ yêu thích và cũng chơi được 25 năm. Bác sĩ Giang chơi tennis 2 tiếng mỗi ngày, một tuần ba buổi.

"Chơi tennis giúp tôi ra nhiều mồ hôi nên cần uống nước nhiều, mau đói nên thèm ăn - hai điều này rất có lợi cho bệnh nhân điều trị ung thư. Quan trọng nhất là vận động giúp tôi sảng khoái tinh thần, có thêm niềm tin và hy vọng chiến thắng bệnh tật", bác sĩ Giang chia sẻ. 

15 năm vượt qua hoang mang, đau đớn và rồi mạnh mẽ đứng dậy, bác sĩ Giang vẫn tiếp tục hành trình nuôi dưỡng khát khao sống mãnh liệt của mình. 

“Trải qua gần 15 năm với căn bệnh này, tôi nghĩ mình có sự may mắn. May mắn không hẳn vì tôi gặp được thầy hay thuốc giỏi, may mắn không phải vì tôi cũng là người trong nghề nên quá trình điều trị có phần nào vững tâm hơn, tôi nói mình may mắn bởi xung quanh tôi còn có quá nhiều nguồn sống, những người thân yêu bênh cạnh, những người mà vì họ tôi có niềm lạc quan như ngày hôm nay, những người nói rằng khi họ nhìn tôi, họ có thêm nghị lực sống”, bác sĩ Giang thổ lộ. 

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan