Khi bị kiến ba khoang đốt, cần thực hiện ngay những thao tác dưới đây để tránh tăng nguy cơ bội nhiễm, tạo mủ.
Kiến ba khoang là loài sinh sống ở môi trường ẩm ướt, sinh trưởng mạnh vào mùa mưa và ưa ánh đèn ban đêm.
Theo các chuyên gia, kiến ba khoang có chứa độc tố rất mạnh, nó gấp 12 - 15 lần so với rắn hổ mang nhưng nếu chỉ tiếp xúc với 1 lượng nhỏ thì không đủ gây chết người như nọc rắn.
Kiến ba khoang cắn không độc bằng việc bạn chạm phải dịch nó tiết ra. Loại dịch này khi dính vào da sẽ gây nên viêm da tiếp xúc tại chỗ.
Độc kiến gây cảm giác râm ran, sau 6 - 8 giờ sẽ hình thành ban đỏ, 12 - 24 giờ tiếp theo bắt đầu xuất hiện thương tổn.
Khoảng 2 - 3 ngày sau, các vết đỏ có dấu hiệu đỡ rát, bong vảy. Nếu không biết cách chữa trị hợp lý, các vết này có thể gây loét, rỉ dịch, một số trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng.
Vết thương do độc kiến ba khoang có dạng nốt mẩn đỏ, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm, màu vàng nâu, hình tròn hoặc hình bầu dục.
Dấu hiệu ban đầu là ngứa, rát, có khi đau.
Vậy khi bị kiến ba khoang tấn công phải làm sao?
Bác sĩ khuyến nghị, nếu không may bị kiến ba khoang tấn cân, bạn cần thực hiện các bước như sau:
- Dùng nước sạch rửa ngay vị trí dính độc kiến rồi rửa thêm 1 lần nữa với xà phòng. Lưu ý, quá trình rửa cần nhẹ nhàng để tránh tạo ra các vết trầy xước.
- Sử dụng hồ nước có bán sẵn ngoài hiệu thuốc thoa lên khu vực bị dính độc, bôi đều đặn mỗi ngày.
- Khi thấy vết ban đỏ có dấu hiệu mưng mủ, phồng rộp thì dùng thêm mỡ oxyde kẽm, mỡ kháng sinh.
- Nếu có dấu hiệu lở loét, nhiễm khuẩn thì sử dụng dung dịch xanh metilen 1% và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Chú ý, mỗi ngày bôi thuốc 2 lần, trước khi bôi cần rửa sạch vết thương với nước muỗi loãng.
Ngoài ra, do vết thương kiến ba khoang tạo nên và bệnh giời leo có biểu hiện khá giống nhau thế nên nhiều người nhầm lẫn. Cần phân biệt vết thương rõ ràng, tránh áp dụng các bài thuốc chữa giời leo trong dân gian mà làm tình trạng bệnh trở nặng hơn.
Một số phương pháp phòng ngừa kiến ba khoang
- Người dân nên ngủ màn, tránh đứng dưới bóng điện sáng nơi công cộng.
- Buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng để tránh kiến ba khoang bay vào nhà.
- Vệ sinh môi trường sống, phát quang bụi rậm, giữ thói quen giũ khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
- Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, nên dùng giấy lót hoặc găng tay. Tránh dùng tay không bắt kiến.
- Nếu không may chà xát kiến ba khoang, nhanh chóng rửa tay thật sạch bằng nước muối sinh lý, tuyệt đối không để tay tiếp xúc với kiến chạm đến các vùng da khác.
- Kiến ba khoang rất kị cây sả, chỉ cần để vài cây sả trong góc nhà, cạnh tủ quần áo, cạnh cửa ra vào là có thể ngăn chặn được kiến tìm đến.
- Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.