Thời điểm chuyển mùa đông là điều kiện thuận lợi cho bệnh tay chân miệng có thể bùng phát thành dịch lớn. Vậy với trẻ mắc bệnh, cần chăm sóc tại nhà thế nào để tránh biến chứng nặng?
Chị Huế, mẹ của bé Nguyễn Tuyết Mai (Phường Tiên Cát, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, trước đây vài ngày, cháu sốt cao 39- 40 độ liên tục, dùng thuốc hạ sốt không ăn thua. Cháu quấy khóc và không chịu ăn gì, gia đình vội đưa bé đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tại đây sau khi thăm khám, làm xét nghiệm, cháu được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng.
Trường hợp cháu Bùi Khánh Huyền, ở TP Việt Trì hiện đang nằm điều trị tại khoa bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng có biểu hiện tương tự. Mẹ cháu cho biết: “Cháu đột nhiên sốt cao 39 độ C mấy ngày, gia đình có cho cháu dùng thuốc nhưng không đỡ. Cháu không ăn được và rất mệt mỏi. Sau khi vào viện 1 ngày, cháu mới nổi các mụn nước ở lưỡi, khe bẹn, nếu không để ý sẽ khó thấy. Rất may là cho cháu vào viện kịp thời nên bây giờ tình trạng đã ổn định, tuy nhiên cháu vẫn cần được theo dõi.”
Trao đổi với BSCKI. Khổng Thị Kim Ngọc - Trưởng khoa Nhi yêu cầu- Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Ban đầu, bệnh tay chân miệng diễn biến nhẹ, nhưng bệnh phát triển nhanh chỉ trong vài giờ, và có thể có biến chứng nguy hiểm.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng:
- Giai đoạn khởi phát: Từ 1- 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài từ 3- 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như
+ Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2- 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt
+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
+ Sốt, nôn, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
+ Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
Những dấu hiệu dễ nhận thấy tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa có kinh nghiệm để phán đoán đúng và kịp thời.
Theo Bác sĩ Ngọc, phát hiện bệnh kịp thời là cần thiết tuy nhiên cách điều trị và phòng ngừa mới là vấn đề quan trọng. Qua đây bác sĩ cũng chia sẻ một số thông tin giúp các bậc cha mẹ an tâm hơn trong cách điều trị và phòng ngừa cho con.
- Cách điều trị và chăm sóc:
+ Bệnh chân tay miệng do nhiều loại virus gây nên và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
+ Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.
+ Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ theo tuồi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
+ Hạ sốt khi sốt cao
+ Vệ sinh răng miệng
+ Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng điều trị.
- Cách phòng bệnh cho trẻ:
+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
+ Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
+ Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
+ Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
+ Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.