Các ca mắc tay chân miệng rải rác tại tất cả quận, huyện, thị xã. Một số địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đống Đa, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai...
Dù số trường hợp mắc tay chân miệng 9 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng không có trường hợp tử vong, không ghi nhận ổ dịch lớn nhiều bệnh nhân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến trung ương, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân với tần suất giám sát 3 - 4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng bệnh, nhất là tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục như: Trường tiểu học, mầm non và các nhóm trẻ gia đình…
Bộ Y tế cũng đưa ra 6 khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng như sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
L.MinhBạn đang xem bài viết Hà Nội đã có hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].