“Trong một lần ra hiệu thuốc Tây mua viên ngậm ho, tôi thấy một người phụ nữ bán vé số tay bế theo một em bé vào hiệu thuốc và nói với người bán thuốc: 'Chị ơi, con em nó sốt quá. Chị bán cho em 2 ngày thuốc sốt'.
Bác sĩ Sang kể: “Tôi giật mình và hy vọng chị bán thuốc sẽ từ chối bán thuốc mà khuyên người mẹ đưa con vào bệnh viện để khám.
Tôi cũng biết hiện có nhiều hiệu thuốc dễ dàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Điều này khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh, nhất là trẻ nhỏ”.
Thế nhưng người bán thuốc lại tiếp tục hỏi người mẹ:
"Có ho không ?" - "Dạ có"
"Có sổ mũi không ?" - "Dạ có"
"Có tiêu chảy không ?" - "Hôm nay đi ra bọt 4 lần rồi"
"Còn gì nữa không ?" - "Dạ bé mệt nhiều nên chị cho thuốc gì mạnh mạnh chút nha chị".
Cứ mỗi câu trả lời của người mẹ bán vé số là một loại thuốc được lấy ra bỏ vào bịch. Tôi ngó sang toàn là kháng sinh, kháng viêm và có cả Smecta cầm tiêu chảy...” – BS Sang cho hay.
“Thực sự tôi kinh hãi quá. Không một động tác khám, cũng không vạch khăn ra xem đứa bé thế nào. Chỉ hỏi, hỏi và lấy thuốc…Tổng cộng gói thuốc của bé là 117 nghìn đồng.
Tôi đợi người mẹ xách bịch thuốc ra 1 góc vỉa hè đang ngồi soạn thuốc cho bé uống. Tôi lại gần 2 mẹ con, khuyên chị đừng vội cho con uống chỗ thuốc này và hãy mang bé vào viện để tôi nhờ người thăm khám lại cho bé” – BS Sang kể.
Sau khi dẫn 2 mẹ con chị bán vé số vào viện, bác sĩ Sang đã nhờ đồng nghiệp làm xét nghiệm máu và chụp phim phổi cho bé. “Khám hết toàn diện cho bé, kết hợp với xét nghiệm máu, phim XQ, tôi nhận thấy bé hoàn toàn bình thường. May mắn chỉ là sốt kèm tiêu chảy do siêu vi. Tôi giải thích và đề nghị người mẹ đổi bịch thuốc chị đã mua ngoài hiệu thuốc trước đó bằng thuốc của tôi. Và chị đồng ý. Tất cả kháng sinh tôi bỏ ra vì tôi nghĩ nó chưa cần thiết. Thêm một ít thuốc bổ dạng siro cho con. Vậy là đã đủ để chữa bệnh cho con khi đó” – BS Nguyễn Thanh Sang kể lại.
Chia sẻ về cách chữa bệnh của mình cho các bệnh nhi, bác sĩ Sang tự nhận: “Tôi "thuận tự nhiên" theo kiểu bệnh nhi đến với tôi nếu tôi cảm thấy bé chỉ là cảm cúm siêu vi tôi chẳng cho thuốc men gì, tôi khám thật kỹ, thật đầy đủ để chắc chắn đó là siêu vi rồi tôi tư vấn cha mẹ cách cho bé ăn uống và hướng dẫn họ cách chăm sóc con tại nhà.
Tôi "thuận tự nhiên" theo kiểu bệnh nhi đến với tôi nếu tôi cảm thấy bé tiêu chảy do thay đổi bột sữa thì tôi sẽ chẳng cho men tiêu hóa, chẳng cho thuốc cầm tiêu chảy nếu bé không đi quá nhiều... rồi tư vấn mẹ cách theo dõi loại thức ăn nào gây ra cái này thì tránh, thời điểm rửa tay, thời điểm ăn uống…”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, hầu hết các trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay ho do cảm lạnh không cần dùng thuốc, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 – 2 tuần.
Song các biện pháp để hỗ trợ giúp trẻ mau khỏi bệnh là cần thiết. Trong đó có các biện pháp:
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn đủ dinh dưỡng.
- Cho trẻ uống đủ nước.
- Giữ ấm cho trẻ nhưng không được để trẻ quá nóng.
- Cho trẻ uống paracetamol để điều trị sốt hoặc làm giảm đau họng bằng thuốc siro ho thảo dược đặc trị như Bổ phế Nam Hà chỉ khái lộ KĐ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nhỏ mũi bằng dung dịch natricloride 0,9% sau đó làm sạch mũi bằng tăm bông hoặc giấy thấm quấn sâu kèn. Cũng có thể dùng một số thuốc chế từ nước biển sâu để xịt vào mũi làm sạch mũi cho trẻ. Đối với các trẻ lớn hơn thì dạy trẻ xì mũi và lau sạch mũi.
- Đưa trẻ đến khám lại nếu thấy có 1 trong các dấu hiệu của viêm phổi như: Khó thở hơn, thở nhanh hơn, bú kém hơn, không ăn/ uống được, thấy trẻ ốm nặng hơn…
- Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng thêm bài thuốc ho Đông y an toàn chế biến từ thảo dược như mơ, hoa hồng hấp đường, chanh hoặc quất hấp mật ong, lá hẹ, lá húng chanh…
Linh Nhi/GIADINHMOI.VN