Sáng 21/3, trong Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè năm 2018, Bộ Y tế cho biết, dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Tại Việt Nam, tình hình sốt xuất huyết tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao. Di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý,... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý.
Chưa kể, thời gian tới với khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Trong khi đó tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây. Điều kiện vệ sinh, môi trường phức tạp bất lợi, tăng số lượng và chủng loại các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh.
Một mặt, sự phối hợp của người dân với cán bộ y tế chưa cao trong công tác loại bỏ các ổ loăng quăng/bọ gậy, phun diệt muỗi xử lý ổ dịch. Đầu tư kinh phí từ các địa phương cho hoạt động phòng chống dịch còn rất hạn chế, hoặc cấp muộn, không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, chi công phun hóa chất diệt muỗi chủ động.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng chưa được sử dụng nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Ngoài ra, các dịch bệnh hay gặp trong mùa hè như: tay chân miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ… có thể lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa. Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và lây lan.
Vì vậy, để hạn chế tối đa nguy cơ hình thành dịch, Bộ Y tế cho rằng, công tác phòng chống dịch cần phải được chủ động thực hiện tốt tại cộng đồng, đặc biệt chú ý tới trẻ nhỏ.
Bộ khuyến cáo, người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, mọi người cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Hồng Ngọc/GiaDinhMoiBạn đang xem bài viết Vào hè, người dân cần phòng tránh bệnh sốt xuất huyết tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].