‘Cho dù bạn có là ‘COCC’ (con ông cháu cha) hay không, nếu không giỏi, không phấn đấu, không kiên trì... thì bạn khó có thể ‘kén cá chọn canh’ như những người thực tài khác’.
Những chia sẻ này được bác sĩ Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) đăng trên Facebook cá nhân để nói về thực trạng hầu hết các bệnh viện trên cả nước đang thiếu bác sĩ nhưng lại có những bác sĩ ra trường ‘kể khổ’ về hành trình gian nan đi tìm việc.
Theo bác sĩ Chính, câu chuyện bác sĩ gian nan đi tìm việc có thể là ‘góc nhìn của bạn đó, cách đánh giá dựa trên nhu cầu việc làm của bạn đó: phải là các thành phố lớn, bệnh viện lớn...
Trong khi bạn ấy không hề cố gắng, không thể chứng minh được năng lực của mình cho dù bạn ấy có giỏi cỡ nào.
Hiện nay mỗi khóa bác sĩ đa khoa tại ĐH Y Hà Nội có tới gần 400 bác sĩ nội trú được đào tạo (chiếm trên 50%).
Tất cả các bác sĩ nội trú này sẽ được chào đón tại bất cứ bệnh viện nào sau khi ra trường.
Gia Đình Mới xin đăng tải lại bài viết của bác sĩ Lương Quốc Chính.
Hiện nay, không có nhóm đối tượng nào yêu cầu học hành tử tế lại dễ kiếm việc như các bác sĩ. Mình đã may mắn được đi rất nhiều nơi, thăm rất nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc.
Qua tìm hiểu và đánh giá mình thấy nơi nào cũng có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ, thậm chí mình còn được nhiều bạn đồng nghiệp, nhiều lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở y tế đề nghị giới thiệu bác sĩ về công tác giúp họ.
Tất nhiên, khi tuyển dụng, họ sẽ ưu tiên chọn bác sĩ có chất lượng, có nguyện vọng. Hơn nữa, thông qua truyền thông mình còn được biết rất nhiều Sở Y tế, bệnh viện... còn có những chính sách thu hút bác sĩ về công tác.
Đối với các tuyến y tế càng cao, nhất là các tuyến trung ương, thậm chí ngay cả đối với một số bệnh viện tư có uy tín, thì đối tượng bác sĩ mà họ tuyển dụng phải có đủ năng lực đáp ứng được mong muốn, nhiệm vụ của họ.
Mặc dù hàng năm các trường đại học y trên toàn quốc đã đào tạo được rất nhiều bác sĩ nhưng dường như là chưa đủ để đáp ứng các nhu cầu trên.
Câu chuyện của một bác sĩ viết về quá trình gian nan khi đi xin việc có thể chỉ là góc nhìn của bạn đó, cách đánh giá dựa trên nhu cầu việc làm của bạn đó: phải là các thành phố lớn, bệnh viện lớn... trong khi bạn ấy không hề cố gắng, không thể chứng minh được năng lực của mình cho dù bạn ấy có giỏi cỡ nào.
Nhưng thật đáng tiếc, truyền thông đã không hiểu câu chuyện hoặc cố tình không hiểu khi lấy lại bài viết của bạn ấy để biên tập lại theo ý mình, giật một cái tít rất ác ý khiến cho cộng đồng hiểu nhầm chỉ có ‘COCC’ mới được tuyển dụng trong khi nhu cầu bác sĩ tại các bệnh viện đang rất lớn.
Rất nhiều các thầy, các anh chị, bạn bè và các em đồng nghiệp của mình, là bạn trên facebook của mình chẳng phải là ‘COCC’ gì cả, nhưng họ đã từng là những sinh viên giỏi, họ đã học và phấn đấu rất nhiều.
Họ đang là các bác sĩ có chất lượng, họ đang là những chuyên gia hàng đầu và họ cũng đã và đang công tác tại các tuyến trung ương, bệnh viện công và tư có uy tín.
Cũng có rất nhiều các thầy, các anh chị, bạn bè và các em đồng nghiệp của mình, là bạn trên facebook của mình cho dù là con nhà nòi, thậm chí là ‘COCC’ đàng hoàng, nhưng họ cũng giỏi thực sự, họ không dựa thế để mà ỉ lại.
Họ cũng lao vào học, nghiên cứu và không ngừng phấn đấu để có thể trở thành những người bác sĩ, những chuyên gia có uy tín.
Khi đã bước vào nghề y, đặc biệt là các bác sĩ, thì điều tiên quyết là phải chịu vất vả hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa ở các ngành nghề khác do bởi xã hội hiện nay chưa đánh giá và coi trọng đầy đủ về ngành y (!?) cho dù bạn có ở vị trí nào, công tác ở đâu (bao gồm cơ sở y tế công và tư).
Do vậy, cho dù bạn có là ‘COCC’ hay không, nếu không giỏi, không phấn đấu, không kiên trì... thì bạn khó có thể ‘kén cá chọn canh’ như những người thực tài khác.
Nhân lực ngành y vẫn thiếu
Tại phiên trả lời chất vấn ĐBQH vào tháng 6/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ở Việt Nam hiện tỷ lệ bác sĩ đạt 8 bác sĩ/10 ngàn dân. Tỷ lệ này ở một số nước trong khu vực không bằng chúng ta.
Nhưng thực tế nhân lực ngành y ở nước ta vẫn thiếu và yếu. Nguyên nhân là do có tình trạng bác sĩ giỏi không về tuyến sau, tuyến dưới chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ giỏi thì cố gắng làm ở bệnh viện lớn hoặc ra ngoài làm bệnh viện tư để lương cao hơn.
Bên cạnh đó, do thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn nên các tuyến tỉnh, tuyến huyện khó thu hút bác sĩ.
Bộ Y tế đã ban hành chính sách, địa phương hoàn toàn có những chính sách sáng tạo để hút bác sĩ. Như bác sĩ về công tác tại tuyến huyện tỉnh được tuyển biên chế, hỗ trợ căn hộ, đất làm nhà.