Bác sĩ khoa sản nói về điều quan trọng nhất đúc rút sau 14 năm hành nghề

14 năm làm nghề, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội không thể nhớ mình tư vấn cho bao nhiêu người phụ nữ đến tuổi làm mẹ, khám bệnh và đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ.

Bức thư tay trong ngày đặc biệt

Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay với bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh, SN 1980, Phó Khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, là một ngày khó quên khi chị nhận được món quà đặc biệt từ sản phụ mà chị đồng hành suốt 9 năm qua: Một bức thư tay kể về hành trình vất vả mà sản phụ trải qua, may mắn được bác sĩ Thanh luôn ở bên cạnh để rồi chị đón được những đứa con yêu chào đời khỏe mạnh.

Bức thư đầy cảm động của sản phụ Vũ Việt Ninh gửi bác sĩ Thanh.

“Em là sản phụ may mắn được bác sĩ theo dõi thai kỳ và đỡ đẻ thành công cả ba lần mang thai và sinh nở… Em và gia đình muốn gửi tới bác sĩ lời cảm ơn từ tâm vì tất cả những gì bác sĩ đã giúp đỡ gia đình em. Cả 3 lần em mang thai và sinh nở, bác sĩ đã luôn đặt lợi ich, sức khỏe và an toàn của mẹ con em lên hàng đầu, đưa ra quyết định chuyên môn chính xác, tốt nhất trong tất cả các tình huống khó khăn của em...".

Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới, bác sĩ Thanh xúc động: "Đó là sản phụ Vũ Việt Ninh, ở Hà Nội. Sản phụ trải qua 3 lần mang thai và sinh nở tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sản phụ cũng gặp một số vấn đề khi mang thai như có lần thì tiểu cầu giảm, dọa sinh non, có lần lại mang thai đôi sinh khó...

Với mình, đây là món quà ý nghĩa nhất trong ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, bởi qua những lời nói của sản phụ, mình cảm nhận được niềm tin và tình cảm của gia đình sản phụ dành cho mình. Đó là niềm động viên lớn nhất đối với mỗi người làm nghề bác sĩ".

Luôn trân trọng cái duyên gắn với nghề bác sĩ Sản khoa

Bác sĩ Nguyễn Minh Thanh đã có 14 năm gắn bó với bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Kể rất thật về việc chọn nghề bác sĩ Sản, chị cười bảo: "Nói thật là bố mẹ mình chọn nghề bác sĩ cho mình đấy. Những năm học cấp 3, mình chỉ thích học môn Sinh học, học giỏi nhất môn đấy nên bố mẹ mình bảo thi vào ngành Y. Mình nghe lời bố mẹ nên... thi thôi.

Học xong, may mắn mình được về công tác tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hồi đầu tiên mới vào nghề, nếu có ai hỏi: Có yêu nghề bác sĩ Sản không, thì chắc là mình chưa tự tin để trả lời như bây giờ đâu. Hồi đấy chỉ đơn thuần, học xong ra trường, có việc làm tại bệnh viện là may mắn, chứ nói thật là... chưa yêu nghề.

Quan điểm làm việc nghiêm túc và tâm huyết đã khiến bác sĩ Thanh nhận được sự tin tưởng, yêu quý của rất nhiều sản phụ đến với BV Phụ sản Hà Nội.

Thế nhưng, mình có một quan điểm, khi đã chọn là luôn làm việc, học tập bằng cả tâm huyết và nỗ lực mỗi ngày. Để làm tốt công việc được giao và cũng là công việc mình chọn thì phải làm việc với tất cả khả năng làm được, làm hết sức. Chính quan điểm đó đã khiến mình với sự nghiêm túc và hăng say. Và yêu nghề từ lúc nào không biết nữa.

5 năm đầu tiên, mình được giao làm bên khoa Phụ khoa, tiếp sau mình được làm việc dưới khoa Đẻ và giờ bên Khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh. Ở mỗi một khoa, mỗi một công việc khác nhau, tiếp xúc, làm việc với những ca bệnh khác nhau, giúp cho mình hiểu sâu sắc nhất ý nghĩa, trách nhiệm và niềm hạnh phúc của nghề, của người bác sĩ Sản khoa đối với mỗi gia đình.

Nữ bác sĩ luôn nhẹ nhàng với các sản phụ đến khám tại bệnh viện.

Cứ mỗi ngày trôi qua, chứng kiến những niềm hạnh phúc của sản phụ khi đón được đứa con khỏe mạnh ra đời, hoặc cũng đôi khi ở bên động viên người phụ nữ trẻ lau nước mắt khi chưa được làm thiên chức người mẹ... tôi hiểu mình lại cần cố gắng hơn rất nhiều, để mang lại nhiều hơn nữa những niềm hạnh phúc trọn vẹn cho mỗi người phụ nữ, mỗi gia đình.

Từ đó, tôi yêu nhiều hơn cái nghề bố mẹ lựa chọn cho tôi, trân trọng cái duyên gắn bó tôi với nghề này.

Niềm hạnh phúc lớn nhất là những cuộc vượt cạn an toàn 

14 năm làm nghề, bác sĩ Thanh không thể nhớ mình tư vấn cho bao nhiêu người phụ nữ đến tuổi làm mẹ, khám bệnh và đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ. Nhưng có những ca bệnh, chị nhớ như in.

"Mình nhớ sản phụ Hoàng Lan ở Nam Trung Yên, Cầu Giấy. Bạn ấy lấy chồng từ năm 18 tuổi, nhưng đến khi 30 tuổi vẫn chưa được làm mẹ. Nhưng 12 năm chị mang thai 4 lần, thăm khám chạy chữa, tìm thầy tìm thuốc nhiều nơi nhưng kết quả không như mong đợi. Ít nhất là 28 tuần nhiều nhất là 36 tuần con lại không ở bên chị mà bỏ chị đi.

Ở tuổi 30, chị mang thai lần thứ 5 và gặp mình. Bạn ý đến khám với một tâm trạng lo lắng vì tiền sử 4 lần đẻ non liên tục. Lúc đó bạn đang mang thai và có dấu hiệu động thai. Bên cạnh khám, kê thuốc, mình còn tư vấn, phân tích, giải thích tình trạng bệnh để chị và gia đình hiểu và cùng bệnh viện đồng hành trong quá trình giữ thai cho chị".

Gian nan có, vất vả có từ điều trị an thai, khâu vòng tử cung, làm các sàng lọc nhưng sau tất cả 38 tuần tuổi thai chị Lan vui mừng chào đón đứa con đầu tiên chào đời.

Niềm hạnh phúc lớn nhất của bác sĩ Thanh là những cuộc vượt cạn an toàn của các sản phụ.

17 tháng sau, chị Hoàng Lan tiếp tục mang thai. Tình trạng mang thai lần này của chị Lan là cổ tử cung ngắn, thường xuyên viêm nhiễm. Tuần 12 phải khâu vòng, tuần 32 cắt chỉ khâu vòng và có dấu hiệu chuyển dạ sinh non. Cầm tay BS Thanh ở phòng đẻ chị Lan nói trong cảm xúc lo lắng "em đã có lần 36 tuần sinh mà vẫn không giữ lại được con. Chị ơi lần này 32 tuần, em lo quá con được có 1800g…".

Được bác sĩ Thanh động viên tinh thần, tiếp tục tư vấn, cả bác sĩ và sản phụ cùng cố gắng, cuối cùng chị Lan cũng sinh nở mẹ tròn con vuông.

"Cả 2 lần được nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của chị và gia đình, bản thân tôi cũng vô cùng xúc động. Và tôi cảm nhận rất rõ ràng niềm hạnh phúc của chính mình, của người bác sĩ Sản - đó là những cuộc vượt cạn an toàn, được nghe tiếng khóc đầu tiên của những đứa trẻ vừa được sinh ra, đến với thế giới tươi đẹp này" - chị Thanh nhớ lại.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan