Bắc Ninh: 150 làng, khu phố được công nhận làng Quan họ thực hành 2019

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định số 1583/QĐ-UBND về việc cấp Bằng công nhận làng Quan họ thực hành cho 150 làng, khu phố trong tỉnh, đợt 1 năm 2019.

Một buổi sinh hoạt của CLB Quan họ Đương Xá (thành phố Bắc Ninh)

Theo đó, 150 làng, khu phố được công nhận làng Quan họ thực hành đợt 1 bao gồm: 20 làng, khu phố thuộc thành phố Bắc Ninh; 9 làng, khu phố thuộc thị xã Từ Sơn; 6 làng, khu phố thuộc huyện Thuận Thành; huyện Yên Phong có 28 làng; huyện Gia Bình có 27 làng; huyện Lương Tài có 32 làng; huyện Quế Võ có 18 làng; huyện Tiên Du có 10 làng.

Làng Quan họ thực hành là làng có tổ chức sinh hoạt ca hát Dân ca Quan họ, cụ thể: có Câu lạc bộ Quan họ, Đội văn nghệ hoạt động định kỳ, thường xuyên; ít nhất 2 thế hệ tham gia sinh hoạt trong tổ chức; có hoạt động truyền dạy và tổ chức giao lưu Dân ca Quan họ.

Mỗi làng Quan họ thực hành được công nhận được hỗ trợ kinh phí hoạt động theo chế độ hiện hành. Việc công nhận trên nhằm động viên, khích lệ các làng Quan họ tiếp tục đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Quê hương Quan họ

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm.

Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng nghìn bài quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Các làn điệu quan họ cổ: La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn, cái ả, Gió mát trăng thanh, Tứ quý…

Ngược dòng lịch sử, quê hương Quan họ từ xa xưa đã nổi tiếng một vùng Kinh Bắc, xứ sở của Quan họ. Dưới thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX, từ ngày 10/10/1895 bắt đầu tồn tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Từ năm 1963 hai tỉnh đó được sát nhập lại thành một tỉnh Hà Bắc rộng lớn với ngót hai triệu rưởi dân và  hơn bốn ngàn  rưởi cây số vuông,và tỉnh Hà Bắc đó được xem như quê hương của dân ca Quan họ.

Gần đây hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang lại được tách ra. Do phần lớn các làng quan họ quần tụ trên mảnh đất Bắc Ninh, chỉ có vài làng nằm trên đất Bắc Giang; nên người ta vẫn thường nói Kinh Bắc ; hay có khi nói Bắc Ninh là quê hương, là chiếc nôi sinh ra và nuôi dưỡng các làng Quan họ. 

Trong dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca: chèo của Thái Bình, Nam Ðịnh, chèo tàu của Hà Tây, hát dặm Nghệ An, Hà Tĩnh, ca trù ca Huế, dân ca Nam bộ... dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh vẫn lấp lánh một dòng dân ca riêng biệt, đặc sắc và độc đáo.

Ngày 30/9/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 tới ngày 2/10/2009), quan họ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù.

Yến Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan