Ý nghĩa của khay đựng bánh kẹo trong văn hóa đón Tết ở Trung Quốc

Bên cạnh bao lì xì hay món sủi cảo, mỗi gia đình Trung Quốc thường chuẩn bị khay đựng bánh kẹo tinh tế để chào đón người thân, bạn bè vào dịp Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán ở Trung Quốc được gọi là Chunjie, lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm, tượng trưng cho sự tạm biệt năm cũ và chào đón những năm mới với sự đổi mới của vạn vật.

Người Trung Quốc tin rằng ăn một số loại thực phẩm trong dịp Tết có thể mang lại may mắn và phước lành. "Quanhe", vật chứa đựng những loại thực phẩm mang ý nghĩa như vậy, là hiện thân của niềm tin này với truyền thống bắt nguồn từ triều đại nhà Minh (1368 - 1644).

Quanhe chứa đựng những món ăn mang ý nghĩa may mắn trong văn hóa đón Tết của người Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Quanhe chứa đựng những món ăn mang ý nghĩa may mắn trong văn hóa đón Tết của người Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Quanhe thường là chiếc hộp lớn hình tròn, được chia thành nhiều ngăn nhỏ, mỗi ngăn chứa loại đồ ăn vặt khác nhau. Mỗi loại đồ ăn vặt trong hộp đại diện cho những ý nghĩa và lời chúc phúc khác nhau cho năm mới, như may mắn, tài lộc, sức khỏe và hạnh phúc.

Theo truyền thống, Quanhe có tám ngăn và các món ăn ngọt bên trong được gọi chung là “Batang” (tám loại kẹo đường), bao gồm: củ sen, hạt sen, bí đao, cà rốt, quất, dừa sợi, mã thầy và bánh gối.

Ý nghĩa của các món ăn này chủ yếu liên quan đến cách phát âm hoặc ý nghĩa của các chữ trong tiếng Trung. Chẳng hạn, cách phát âm của củ sen là "lian ou" - phát âm gần giống các từ "nian (năm)" và "you (có)" trong tiếng Trung. Kết hợp lại, nó được hiểu là “năm mới có may mắn”.

Đối với hạt sen, ý nghĩa của chúng là tượng trưng cho việc sinh nhiều con. Trong truyền thống Trung Quốc, có câu nói rằng gia đình đông con sẽ mang lại nhiều may mắn.

Củ mã thầy trong tiếng Trung được viết giống từ móng ngựa, vì vậy chúng tượng trưng cho câu nói “mã đáo thành công”.

Bí đao thường có hình dạng to dần từ trên xuống dưới, tượng trưng cho sự khởi đầu và kết thúc tốt đẹp của năm.

Những lát cà rốt màu cam rực rỡ và quả quất tượng trưng cho sự giàu có, vì tên gọi và màu sắc của liên quan đến vàng.

Trong khi đó, dừa thể hiện sự hòa thuận trong gia đình, hay những chiếc bánh gối chiên có hình dạng giống chiếc ví tượng trưng cho tiền bạc và may mắn.

Đôi khi trong hộp còn có hạt dưa. Hành động nhặt hạt dưa giống như nhặt tiền, cũng thể hiện mong muốn vận may trong năm tới.

Bên cạnh những món ngọt truyền thống, Quanhe ngày nay còn chứa nhiều món ăn khác để đáp ứng sở thích của mọi người, đặc biệt là trẻ em, với những loại bánh kẹo được đóng gói nhiều màu sắc như kẹo trái cây hoặc đồng xu sô-cô-la.

Ngoài ra còn có các loại bánh kẹo phổ biến thế giới như bánh macaron, bánh quy hoặc bánh kẹo Nhật Bản, cho thấy Quanhe truyền thống của Trung Quốc đang dần tiếp thu những ảnh hưởng từ quốc tế.

Quanhe ngày nay cũng đa dạng và thời trang hơn, không còn bị ràng buộc bởi khuôn mẫu truyền thống, quan trọng là những khay đựng bánh kẹo vẫn lưu giữ được ý nghĩa truyền thống là cùng nhau chia sẻ niềm vui thưởng thức đồ ăn nhẹ và cầu mong một năm mới hạnh phúc và may mắn.

Anh Thịnh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính