Một khảo sát ở Mỹ cho thấy 35% trẻ tuổi teen đã có trải nghiệm với các mối quan hệ yêu đương. Dưới đây là những điều cha mẹ có thể làm để hỗ trợ con khi đến tuổi 'biết yêu'.
Gặp gỡ đối tượng của con sẽ giúp bạn hiểu con đang dành thời gian với kiểu người như thế nào và có cái nhìn thoáng qua về cuộc sống độc lập của con.
Hãy mời bạn trai/bạn gái của con đến ăn tối hoặc đi du lịch cùng nhau. Những hoạt động như thế này sẽ củng cố sự ủng hộ chân thành của bạn đối với mối quan hệ của con bạn, cho dù nó có suôn sẻ hay không.
Điều này tạo nền tảng cho sự giao tiếp cởi mở hơn giữa cha mẹ và con cái.
Là cha mẹ, bạn có thể có nhiều kinh nghiệm hơn để đánh giá mức độ quan trọng hoặc nghiêm trọng của vấn đề. Tuy nhiên điều đó không phải lý do để bạn cười nhạo cảm xúc của con.
Hãy thừa nhận cảm xúc của con về tình yêu, hạnh phúc, thất vọng và khổ đau. Hãy nhắc nhở con rằng những cảm xúc đó là bình thường, thay vì bảo con phải vượt qua những cảm xúc "ngớ ngẩn" đó.
Làm một phụ huynh thích kiểm soát trong thời điểm này sẽ không tốt cho bất kỳ ai. Dù đứa con tuổi teen của bạn cần được hướng dẫn, nhưng hầu hết trẻ có khả năng tự ra quyết định đúng đắn cho bản thân.
Từ chối mọi yêu cầu của con mà không giải thích lý do tại sao sẽ chỉ thúc đẩy con giữ bí mật với bạn.
Hãy dùng một thái độ chào đón hơn đối với các mối quan hệ lãng mạn của con bạn và sẵn sàng hướng dẫn con bất cứ khi nào.
Đừng bắt con cho bạn xem từng tin nhắn hay đoạn chat với người yêu, đừng nghe trộm những cuộc trò chuyện của con hoặc theo dõi khi con đi hẹn hò.
Bạn có thể muốn quan tâm con trong giai đoạn nhạy cảm, nhưng hãy cẩn thận để không trở thành độc đoán khi tham gia quá nhiều vào chuyện của con.
Nhắc nhở con bạn về tầm quan trọng của việc từ chối trong những tình huống không thoải mái và cứng rắn với lời nói của mình.
Hãy hướng dẫn con những việc cần làm nếu con cảm thấy bị đối tượng của mình dồn ép hoặc gây áp lực. Bỏ đi hoặc gọi cho cha mẹ ngay lập tức là một số mẹo an toàn mà bạn có thể dạy con.
Mặc khác, hãy dạy con bạn tôn trọng bạn trai/bạn gái và quyết định của họ. Nếu con bạn cảm thấy thoải mái khi chấp nhận những lời từ chối của đối phương hoặc việc thiết lập ranh giới của họ, thì con sẽ không gặp vấn đề gì khi làm điều tương tự.
Sẵn sàng giao tiếp không chỉ có nghĩa là nói về những chủ đề lớn. Nó cũng liên quan đến việc lắng nghe về những điều tầm thường nhất.
Con bạn sẽ có những cảm xúc mãnh liệt mà con sẽ liên tục nói về nó, và bạn nên kiên nhẫn lắng nghe.
Ngay cả khi bạn từng nghe chuyện đó rồi thì hãy cố gắng không tỏ ra chán nản, bác bỏ hoặc khó chịu.
Sự chân thành muốn kết nối của bạn sẽ khuyến khích con bạn tiếp tục đến gặp bạn không chỉ để trò chuyện về cuộc hẹn hò của họ diễn ra như thế nào mà còn để thảo luận về những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Sự tin tưởng của bạn sẽ cho phép con học cách suy nghĩ cho chính mình. Dạy con biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình sẽ khiến con đưa ra những quyết định đúng đắn trong các mối quan hệ.
(Theo Bright Side)