7 điều cần làm để hạn chế quát mắng con một cách vô lý

Thay vì phân tích lỗi sai của trẻ, nhiều phụ huynh cho rằng việc la mắng là 'vũ khí' lợi hại để kết thúc những việc làm sai trái hay quậy phá của bọn trẻ.

 

Khi bị quát mắng, trẻ em sẽ trở nên sợ sệt, khủng hoảng, ám ảnh vì những lời quát mắng quá mức, từ đó ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển hành vi ở trẻ.

Những đứa trẻ thường xuyên bị la mắng sẽ có những hành vi, cư xử không tốt, dễ cảm thấy tự ti và quan hệ tình cảm sau này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy quát mắng thường xuyên cũng là một trong những hành vi ngược đãi trẻ nhỏ, trẻ rất dễ mắc phải bệnh trầm cảm và biểu hiện lo âu khi trưởng thành.

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực này, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để cư xử với con thật phụ hợp:

1. Suy nghĩ trước khi quát mắng con

Khi con cái có hành động không đúng với mong muốn của bản thân, phụ huynh thường cáu giận và quát mắng con. Khi đó, hãy suy nghĩ về lý do bạn quát mắng con có thực sự giải quyết được vấn đề hay không.

Đồng thời, hãy suy nghĩ về lý do khiến con bạn mắc lỗi. Nhiều khi trẻ chỉ vì muốn gây sự chú ý từ người lớn, hoặc ghen tị với em nhỏ trong nhà được bố mẹ cưng chiều hơn nên mới cố tình làm trái ý bố mẹ.

Hãy tìm hiểu tâm tư tình cảm của bé, từ đó tìm cách thích hợp để vừa giải quyết được vấn đề vừa không làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ, giúp trẻ rút ra kinh nghiệm sau này.

2. Ý thức được bản thân đang kích động

La mắng con cái là biểu hiện khi bạn bị kích động. Vì vậy, hãy nhận biết dấu hiệu của cơn tức giận như nhịp tim nhanh, lông mày co lại hoặc cảm giác cơ thể nóng lên. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc kịp thời trước khi hét lên với con.

3. Kiểm soát cảm xúc

Cha mẹ chính là tấm gương để các con noi theo. Việc la mắng con là tác nhân khiến trẻ ‘sao chép’ lại hành vi của người lớn. Trẻ sẽ có xu hướng la hét để thu hút sự chú ý.

Vì vậy hãy biết kiểm soát cảm xúc để các con học được điều hay từ bố mẹ. Kể cả khi lắng mắng, hãy chú ý đến từ ngữ bạn sử dụng.

Chẳng hạn như thay vì nói 'Con thật hư khi làm như vậy', thì bạn có thể nói: 'Mẹ cảm thấy rất tức giận và thất vọng khi con không nghe lời'.

Nếu dạy con theo cách cảm thông, chia sẻ, các con cũng sẽ biết chia sẻ, thấu hiểu với mọi người xung quanh.

Việc la hét, quát mắng trẻ thường xuyên có thể gây ra những vấn đề tâm lý ở trẻ  

4. Cư xử bình tĩnh với trẻ

Khi bị cha mẹ la mắng, các bé có xu hướng la hét lớn hơn như một cách đối đầu và cố gắng giành phần thắng trong cuộc cãi vã.

Do vậy bố mẹ nên hạ giọng và bình tĩnh giải thích về hành vi cư xử chưa đúng mực của con. Cư xử khéo léo sẽ giúp con học được những bài học giá trị.

5. Đừng coi con bạn như một đứa trẻ

Nếu bạn cư xử với con mình như một đứa bé thì chắc chắn con bạn sẽ không thể trưởng thành, ngược lại sẽ luôn có thái độ cáu kỉnh, nũng nịu với bố mẹ.

Trẻ cần được học cách kiềm chế cảm xúc buồn bã hay tức giận như người lớn. Bố mẹ nên tạo cơ hội để con học cách trưởng thành, giúp con học cách kiểm soát và giải tỏa cơn bực tức bằng các môn thể thao, nghệ thuật hoặc chơi trò chơi.

 

6. Hạn chế căng thẳng

Những căng thẳng trong công việc và cuộc sống thường ngày có thể dẫn đến việc la mắng con cái nhiều hơn. Hãy chia sẻ gánh nặng, công việc với chồng hoặc vợ của bạn và tìm cách giảm thiểu áp lực, căng thẳng.

Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn không bị cuốn vào những mối bận tâm trong cuộc sống mà quên đi việc chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi đầy đủ.

Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng những cảm giác khó chịu và bực dọc, khiến bạn dễ mắng mỏ con cái hơn.

7. Thừa nhận sai lầm 

Dù cố gắng kiềm chế nhưng đôi lúc vì quá căng thẳng mà bố mẹ cũng không thể kiểm soát cảm xúc mà quát mắng các con. Khi đó, hãy sẵn sàng xin lỗi con.

Việc thể hiện rõ bạn mong muốn sửa đổi sai lầm như thế nào và thực hiện điều đó một cách trung thực sẽ tạo nên cảm xúc tích cực ở trẻ và khơi gợi mong muốn sửa lỗi ở trẻ.

Ái Linh /giadinhmoi.vn

Tin liên quan