Vạn niên thanh, đỗ quyên, thiên điểu, xương rồng bát tiên,... là những loại cây cảnh chứa độc tố, nếu con trẻ chẳng may tiếp xúc với nhựa cây hay ăn phải có thể bị ngộ độc.
Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò, dễ có khả năng "ăn thử" mọi thứ trẻ thấy trong nhà. Do đó với gia đình có con nhỏ, trồng cây cảnh trong nhà cũng cần lưu ý các loại cây có độc, đề phòng trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc do ăn, nuốt phải lá, hoa hay tiếp xúc nhựa cây,...
Trên thực tế, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia đã xảy ra tình trạng trẻ bị ngộ độc do ăn, nuốt phải cây cảnh. Tại các chuyên khoa Nhi, mỗi năm tiếp nhận hàng chục trường hợp dị ứng, hóc… quả, lá cây…
PGT TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ không nên trồng cây trong nhà vì sẽ tăng nguy cơ ngộ độc do trẻ nhai, nuốt lá cây. Chưa nói đến, nhiều loại cây thải ra khí độc gây dị ứng, mẩn ngứa…
Dưới đây là một số loại cây cảnh có độc tố nguy hiểm mà các gia đình có con nhỏ cần cẩn trọng.
1. Trúc đào
Cây trúc đào, đào lê, tên khoa học Nerium Oleander L, thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Trong các bộ phận của cây đều chứa chất nhựa màu kem, vàng ngà rồi hóa lục.
Trong nhựa này có các glucosid độc, chủ yếu là oleandrin (còn gọi là neriolin) với tỷ lệ 0,7 - 1 phần nghìn.
Đây là chất có tác dụng mạnh đối với tim, nếu dùng đúng liều quy định thì có tác dụng trợ tim, nếu dùng quá liều thì sẽ ngộ độc.
Sau khi chất độc vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng rất nhanh như nôn mửa dữ dội, sau đó người mệt lả không muốn nói năng cử động gì, có khi nhức đầu, chóng mặt đau bụng.
Ngộ độc nặng hơn thì có thể trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê rối loạn nhịp tim. Ngộ độc quá nặng sẽ dần dần thiếu ôxy lên não. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước...) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do mủ hoa cây trúc đào.
2. Đỗ quyên
Tên khoa học là Rhododendron occidentale. Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside.
Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng.
Một lượng 100 đến 225 gram lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25 kg.
3. Thiên điểu
Tên khoa học là Strelitzia reginae. Hoa và hạt của cây có các chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc hoặc ăn hoa, hạt sẽ khiến buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt.
4. Xương rồng bát tiên
Về ý nghĩa phong thủy, đối với các nước châu Á thì Xương Rồng Bát Tiên lại có ý nghĩa như một cây cát tường mang đến nhiều may mắn. Tại Việt Nam Xương Rồng Bát Tiên được trồng nhiều tại khu vực phía Nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên nếu nhà có trẻ nhỏ, không nên trồng loại cây cảnh này, bởi vì nhựa của nó sẽ gây bỏng rát khi tiếp xúc, đặc biệt là với làn da mỏng manh của các bé.
5. Cây vạn niên thanh
Theo nghiên cứu, hai loại độc tố andromedotoxin và arbutin glucosit trong tất cả các bộ phận của cây vạn niên thanh khi tiếp xúc với làn da trẻ em có thể gây bỏng rát.
Nghiêm trọng hơn, trẻ em ăn phải lá cây vạn niên thanh (bộ phận chứa độc tố nhiều nhất) có thể bị nôn mửa, co giật.
Lưu ý: Khi trẻ vô tình nhai hoặc nuốt phải lá cây chứa độc tố, cha mẹ cần pha nước muối theo tỉ lệ 2 muỗng canh muối cùng 1 ly nước ấm cho trẻ uống.
Kế tiếp, dùng tay móc họng, nhắc nhở trẻ cố gắng nôn ra. Sau khi sơ cứu nên đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời xử lý.
6. Cây kim tiền
Cây kim tiền còn có tên gọi khác là kim phát tài, thường được trồng trong gia đình với quan niệm giàu sang, phú quý.
Theo nghiên cứu, trong cuống và lá cây kim tiền chứa tinh thể canxi oxalat. Chất này có tác dụng hút khí độc trong không khí nhưng lại gây hại cho sức khỏe con người.
Canxi oxalat trong cây kim tiền gây kích thích các vùng da nhạy cảm, niêm mạc lưỡi, môi, màng nhầy cổ họng hoặc vùng kết mạc mắt.
Trẻ em đùa nghịch ăn phải lá của cây kim tiền hoặc sơ ý làm nhựa dính lên da, niêm mạc có thể gây ngứa, nóng rát trong miệng dẫn đến sưng viêm, ngạt thở.