Gặt hái thành tựu nhưng còn nhiều thách thức
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 25/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 25/CĐ – TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống lao. Công điện đã đẩy mạnh hoạt động phòng, chống lao với những kết quả bước đầu rất tích cực. Năm 2024, Chương trình Chống lao Quốc gia đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay với số bệnh nhân lao được phát hiện hơn 113.000 ca (tăng 7% so với năm 2023), tỷ lệ lao có bằng chứng vi khuẩn trên 70%, tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 90% (cao hơn tỷ lệ này trên toàn cầu - mức 88%).

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định những thành tựu của công tác phòng chống bệnh lao.
Tỷ lệ điều trị thành công đối với bệnh lao nhạy cảm đạt 89,1%, trong khi đó, con số này ở bệnh lao kháng thuốc cũng vượt trội so với mức trung bình toàn cầu khi đạt trên 70%. Những thành quả này đến từ việc triển khai rộng khắp hệ thống y tế với 63 tỉnh, thành phố có đơn vị chống lao, cùng với hơn 860 cơ sở điều trị và 406 máy GeneXpert - công nghệ xét nghiệm tiên tiến nhất hiện nay, giúp phát hiện bệnh lao nhanh chóng và chính xác.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam đã duy trì mạng lưới chống lao tại 100% xã, phường; đảm bảo 100% dân số được tiếp cận dịch vụ phòng chống lao. Đặc biệt, trong năm qua, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo người dân với hàng chục ngàn lượt tin nhắn ủng hộ, hỗ trợ hơn 2.300 bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần nhân văn, tương thân tương ái đáng quý của người dân Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Điều hành của Stop TB Partnership, bà Lucica Ditiu ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống bệnh lao. Việt Nam không chỉ đi đầu trong việc đầu tư và triển khai các đổi mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao mà còn thể hiện tinh thần nhân ái và giảm kỳ thị đối với những người chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

Việt Nam cam kết, đầu tư và hành động để phòng chống bệnh Lao.
Tuy vậy, mặc dù đã nỗ lực vượt bậc, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. TS. BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng, Việt Nam vẫn còn khoảng 182.000 ca bệnh lao mới, gần 10.000 bệnh nhân lao kháng thuốc, và hơn 11.000 người tử vong vì bệnh lao mỗi năm. Những con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh lao tại Việt Nam và cần phải có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận.
TS Lượng cũng thông tin, hiện nay Việt Nam mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao tại cộng đồng, nếu số người mắc lao trong cộng đồng không được kiểm soát, các năm tiếp theo sẽ rất khó khăn cho công tác phòng chống lao. Chính vì số lượng người mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng.
Đặc biệt, tình hình lao kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng, điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc duy trì tỷ lệ điều trị thành công. Việt Nam hiện đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất.
"Công tác phòng, chống lao tại nước ta vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện chủ động trong nhóm nguy cơ cao chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học vẫn thấp hơn chỉ tiêu mong muốn. Nguồn lực tài chính, đặc biệt từ ngân sách quốc tế đang có xu hướng giảm dần; việc đảm bảo thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn gặp khó khăn do thủ tục phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát hiện và điều trị bệnh" – Thứ trưởng Thuấn nhìn nhận.
Cam kết, đầu tư và hành động mạnh mẽ để chấm dứt bệnh lao
Bà Jennifer Horton - Phó trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc chấm dứt bệnh lao - căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới. Điều này rất phù hợp với kế hoạch chiến lược quốc gia về phòng chống lao của Chính phủ Việt Nam, nhằm mục đích chấm dứt bệnh lao như một vấn đề sức khỏe cộng đồng vào năm 2035.
Theo lãnh đạo Chương trình chống Lao quốc gia, Việt Nam đã xác định mục tiêu “chấm dứt bệnh lao” vào năm 2035. Mục tiêu này rất cần sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban/ngành/đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao từ Trung ương tới địa phương.
Do đó, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay là "Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”. TS Lượng cho hay, biến ước mơ thành cam kết, biến cam kết thành hành động cụ thể, chuyển các cam kết, đầu tư, hành động thành kết quả, có lợi cho người bệnh lao. Chủ đề này nhấn mạnh về tầm quan trọng của cam kết bền vững, đầu tư nguồn lực và hành động hiệu quả cho các can thiệp phòng chống lao.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng nhấn mạnh ý nghĩa của chủ đề chống lao năm nay của Việt Nam để sớm thanh toán bệnh lao.
Để công tác phòng chống lao hiệu quả hơn nữa, Chương trình chống Lao quốc gia đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu cho phép các dự án do các chính phủ, tổ chức quốc tế viện trợ không hoàn lại được tổ chức, thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Bên cạnh đó, toàn bộ mạng lưới y tế, cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám, kiểm soát sức khỏe toàn dân với hệ thống quản lý sổ sức khỏe điện tử, gắn với nội dung phát hiện, khám và điều trị bệnh lao. Trong danh mục khám sức khỏe định kỳ hàng năm tại các cơ quan phải có khám sàng lọc lao…
Các cơ sở đào tạo y khoa đưa nội dung về bệnh lao là bắt buộc để các thầy thuốc có đầy đủ kiến thức, chứng chỉ về bệnh lao trong quá trình hành nghề.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho công tác phòng chống lao, cần tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế.
V.LinhBạn đang xem bài viết Việt Nam cam kết, đầu tư và hành động để tiến tới thanh toán bệnh Lao tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: bankhoahoc@giadinhmoi.vn.
Tin liên quan
