Các chuyên gia y tế cho rằng cần tăng mức phạt và công khai đối tượng bị phạt đối với các đơn vi vi phạm thực hiện môi trường không khói thuốc sau nhiều lần kiểm tra vẫn vi phạm.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.
Cụ thể 3 mức phạt như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
- Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
- Phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu nơi dành riêng cho người hút thuốc lá không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá; không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Nghị định có hiệu lực từ 15/11 tới.
Bà Trần Thị Trang Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, qua 5 năm thực hiện "Môi trường không khói thuốc lá", đến nay công tác này tuy có nhiều tích cực nhưng vẫn còn những bất cập như việc triển khai không đồng đều ở các khu vực. Khối cơ sở giáo dục y tế làm tốt, trong khi đó tại các cơ sở như bến tàu xe, nhà hàng khách sạn chưa tốt…
Hiện nay, việc xử phạt hành vi vi phạm về vấn đề hút thuốc lá vẫn chưa thực hiện nghiêm.
Bà Nguyễn Yến Ngọc, Ban Kiểm soát, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết thêm một số lãnh đạo đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đến thực hiện môi trường không khói thuốc, thực hiện không nghiêm khắc. Ít trường hợp cán bộ bị xử lý.
“Chế tài xử phạt người vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hiện rất khó thực hiện. Lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử phạt mỏng, thực hiện không thường xuyên trong khi ý thức tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc của nhiều người còn thấp. Hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm diễn ra rất nhanh, không có bằng chứng gây khó khăn trong việc xử phạt”, bà Ngọc phân tích.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành để triển khai công tác kiểm tra, giám sát.
Vấn đề xử phạt cũng cần có chế tài dễ thực hiện hơn, quyền xử phạt cần rộng hơn, thủ tục đơn giản hơn. Cần tăng mức phạt và công khai đối tượng bị phạt đối với các đơn vị vi phạm thực hiện môi trường không khói thuốc sau nhiều lần kiểm tra vẫn vi phạm.